(VnMedia) - Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đến nay 100% các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đã thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ảnh minh họa. |
Thống kê của Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, tất cả các bệnh viện đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, trong đó, 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh; mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh như: bàn ghế, lắp quạt điện, bổ sung ghế ngồi chờ, nhiều nơi có đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động… Đáng chú ý, tất cả các bệnh viện đều bổ sung thêm buồng khám, bàn khám bệnh, với mức tăng trung bình tới 93,3% so với trước khi triển khai, tăng nhiều nhất là bệnh viện tuyến tỉnh (tăng 145,5%), riêng tại 36 bệnh viện tuyến trung ương tăng thêm 192 buồng khám bệnh.
Đi liền với cải tạo cơ sở hạ tầng, các đơn vị đều sắp xếp, bố trí lại các bộ phận liên quan trong quy trình khám bệnh, đặt bàn, quầy và bố trí nhân viên để tiếp đón hướng dẫn người bệnh, đặt máy phô-tô-cóp-py để chụp tài liệu cần thiết phải lưu giữ thay cho người bệnh; các bộ phận: làm thủ tục đăng ký, phòng khám, phòng lấy máu bệnh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, kế toán và phát thuốc được bố trí, sắp xếp liên hoàn. Khá nhiều bệnh viện đã bỏ việc tạm ứng tiền khám bệnh đối với người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), bỏ thủ tục yêu cầu người bệnh phải phô-tô giấy tờ tùy thân, thẻ BHYT… Một số bệnh viện cũng đã thực hiện đăng ký đặt lịch hẹn khám bệnh qua dịch vụ điện thoại hoặc website, kết quả xét nghiệm của người bệnh được nhân viên y tế trả về phòng khám của từng bác sĩ tương ứng.
Theo đó, quy trình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-7 bước tùy theo tính chất bệnh lý và yêu cầu của bác sĩ. Ngoài ra, đã có 78,7% bệnh viện thành lập nhóm cải tiến chất lượng khoa khám bệnh.
Với các cải tiến nêu trên, thời gian khám bệnh (từ khi người bệnh bắt đầu làm thủ tục đăng ký đến khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và nhận thuốc) đã giảm đáng kể so với trước.
Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 đến 14 bước trước đây xuống còn 4, 6, 7, hay 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh). Tính chung, thời gian khám bệnh trung bình đã giảm được 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình. Thời gian khám lâu nhất là tại tuyến trung ương: 53,7 phút, tuyến huyện là 40,1 phút, tuyến tỉnh là 46 phút.
Kết quả cải tiến quy trình khám bệnh đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế – xã hội. Việc rút ngắn thời gian chờ đã góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng lòng tin của người bệnh vào người thầy thuốc; tăng sự hợp tác giữa người bệnh và người thầy thuốc, tuân thủ chế độ điều trị, giúp cho việc chẩn đoán của người thầy thuốc nhanh, chính xác hơn và nhất là thời gian điều trị của người bệnh sẽ được rút ngắn.
Với quy trình mới, ước tính trung bình mỗi bệnh viện giảm được hai người để thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung cho các bộ phận khác. Với tổng số lượt khám ngoại trú trên cả nước trong năm 2014 khoảng 140 triệu lượt, qua đó giúp tiết kiệm tương ứng với 13,6 triệu ngày công lao động. Mỗi người đi khám bệnh, trung bình sẽ có một người đi cùng, như vậy việc rút ngắn thời gian khám bệnh mỗi năm sẽ tiết kiệm, hay có thể nói là bổ sung thêm ít nhất 27,2 triệu ngày công lao động thay vì số thời gian này lãng phí do chờ đợi khám bệnh phải kéo dài.
Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc