Bệnh viêm gan E "đe dọa" những ai?

07:01, 08/01/2015
|

(VnMedia) -   Viêm gan vi rút E (HEV) là một bệnh lây qua đường tiêu hóa, do vi rút viêm gan vi rút E gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch do nhiễm bẩn nguồn nước.
 
Thứ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, viêm gan vi rút E là một vi rút hướng gan. HEV hay gặp ở các nước đang phát triển với tỷ lệ từ 0.2 đến 4%, như ở châu Á, Trung Đông và châu Phi, hiếm gặp ở các nước phát triển, tuy nhiên HEV IgG có thể gặp ở trên toàn thế giới.
 
Đây thường là một loại bệnh tự khỏi và hầu hết người nhiễm bệnh tự hồi hục mà không để lại biến chứng về lâu dài. Tuy nhiên bệnh có thể trở nên ác tính và nguy hiểm, nhất là khi bệnh nhân đang mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20%. Bệnh có thể diễn biến mạn tính ở những bệnh nhân ghép tạng, nhiễm HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Triệu chứng lâm sàng
 
Thông thường triệu chứng của bệnh viêm gan vi rút E chỉ rất nhẹ và nhất thời, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần lễ. Bệnh không gây ra những hậu quả lâu dài, như trong trường hợp của bệnh viêm gan B, D và C. Tuy nhiên bệnh có thể trở nên ác tính và nguy hiểm, nhất là khi bệnh nhân đang mang thai.
 
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 đến 60 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Thông thường bệnh nhân bắt đầu bị hâm hấp nóng cũng như mệt mỏi, đau nhức toàn thân như khi bị cảm cúm. Sau đó, da và mắt trở nên vàng. Nước tiểu trở nên đậm mầu. Phân có mầu nhạt như đất sét. Bụng đau lâm râm, khó chịu, buồn nôn và ói mửa.
 
Một số ít bệnh nhân bị tiêu chảy, nổi mề đay và đau khớp xương. Khi thử năng chất của gan ALT và AST tăng cao, thường cùng lúc với vàng da. Tình trạng này kéo dài từ 1 đến 6 tuần.
 
Từ lúc da và mắt trở nên vàng (jaundice), vi khuẩn viêm gan vi rút E có thể được tìm thấy trong phân của bệnh nhân. Nếu hoàn cảnh vệ sinh không được tốt, một số vi khuẩn này có thể ô nhiễm nước uống, và vì thế sẽ lây cho người chung quanh.
 
Cũng như bệnh viêm gan A, đa số bệnh nhân không cần chữa, bệnh tự nhiên từ từ giảm dần và biến mất. Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, gan bị tàn phá một cách rất nhanh chóng và bệnh nhân có thể tử vong nếu không được ghép gan.
 
Ai có thể bị viêm gan vi rút E ?
 
Vì đây là bệnh truyền nhiễm nên chúng ta ai cũng có thể bị. Tương tự như bệnh viêm gan A, bệnh lây từ người này qua người kia qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn viêm gan vi rút E.
 
Bệnh dễ lây nhất qua đường từ phân đến miệng (fecal-oral route). Vì thế, tại các nước chậm tiến khi phân người vẫn được dùng trong việc canh nông, bệnh đã và đang lan tràn một cách dễ dàng và nhanh chóng. Hơn nữa khi hệ thống cầu cống tại các nước này chưa được toàn hảo, nước uống có thể bị ô nhiễm một cách dễ dàng vào mỗi mùa bão lụt.

  Ảnh minh họa

  Viêm gan  vi rút E có thể gây thành dịch do nhiễm bẩn nguồn nước.

Chẩn đoán xác định
 
- Dịch tễ: tiền sử tiếp xúc với thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm hay trực tiếp qua quan hệ tình dục miệng - hậu môn, hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị viêm gan vi rút E.
- Lâm sàng: chán ăn, mệt mỏi, vàng mắt, vàng da.
- Cận lâm sàng: anti HEV IgM (+).
 
Chẩn đoán thể lâm sàng
 
Viêm gan cấp tính: Triệu chứng chủ yếu là sốt, đau mỏi cơ, nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da tăng dần. Diễn biến thường tự khỏi.
 
Viêm gan tối cấp: sốt cao, vàng mắt, mệt lả, gan teo nhỏ, hôn mê gan dẫn đến tử vong.
 
Viêm gan mạn tính: Ít gặp. Chủ yếu gặp ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như ghép tạng, HIV, điều trị thuốc ức chế miễn dịch.
 
Chẩn đoán phân biệt
 
- Cần phân biệt với các nguyên nhân gây viêm gan khác như: viêm gan nhiễm độc, viêm gan do virut khác, viêm gan tự miễn…
 
- Các nguyên nhân gây vàng da khác: lepspirosis, sốt rét,…một số căn nguyên tắc mật cơ giới như u đầu tụy, u đường mật, sỏi đường mật…
 
Cách điều trị
 
Điều trị đặc hiệu: Viêm gan vi rút E không có điều trị đặc hiệu
 
Điều trị hỗ trợ:
 
Chế độ chăm sóc :

- Nghỉ ngơi hoạt động nhẹ nhàng.
- Ăn giàu đạm, vitamin, giảm mỡ động vật. Tăng cường hoa quả tươi.
- Không rượu, bia và hạn chế sử dụng các thuốc, hóa chất gây độc cho gan.
 
Thuốc điều trị
 
- Thuốc bảo vệ màng tế bào gan: như nhóm BDD (Biphenyl Dimethyl Dicarboxylate).
- Thuốc tăng cường chuyển hóa: chuyển amoniac độc hại thành ure như nhóm L-Ornithin L-Aspartat, Lactulose.
- Thuốc có tác dụng khử các gốc tự do bảo vệ tế bào khỏi các chất oxyhóa có hại: Glutathione.
- Tăng cường các yếu tố đông máu: Vitamin K, Plasma tươi…
- Thuốc lợi mật, sử dụng khi có vàng mắt vàng da: chophytol, sorbitol…
- Thuốc lợi tiểu, sử dụng khi bệnh nhân tiểu ít, bắt đầu với nhóm kháng Aldosteron, có thể kết hợp với thuốc lợi tiểu khác.
 
Cách phòng bệnh viêm gan vi rút E
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, viêm gan vi rút E có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng, vệ sinh cá nhân tốt và vệ sinh môi trường.
 
- Tiêm phòng vaccine: Những người có khả năng trở thành mạn tính nếu họ bị nhiễm HEV (những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc bệnh gan mãn tính). Liệu trình tiêm vaccine gồm 3 mũi được tiêm vào tháng 0, 1 và tháng thứ 6.
 
- Phòng bệnh không đặc hiệu: Với người bị nhiễm viêm gan vi rút E: bệnh nhân nên rửa tay kỹ trước, sau khi ăn và tiếp xúc với người khác.
 
Với cộng đồng có thể giảm cơ hội bị nhiễm bằng các cách sau:

+ Rửa tay với xà phòng trước khi ăn.

+ Không nên ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín từ các khu vực sông
biển bị ô nhiễm …


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc