Bệnh không lây nhiễm: Nguy hiểm khó lường!

13:41, 28/01/2015
|

(VnMedia)  - Ngày 28/1, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo tăng cường phối hợp truyền thông về công tác y tế dự phòng.

Cục Y tế dự phòng cho biết, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm , điều trị, theo dõi lâu dài. 

Bệnh không lây nhiễm là không do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra. Bệnh không lây truyền từ người này sang người khác mà diễn tiến trong thời gian dài, có thể gây tàn tật, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng có thể phòng được.

10 bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất (tim mạch, tai biến mạch não, bệnh đường hô hấp dưới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiêu chảy, HIV/AIDS, lao, ung thư phổi, tai nạn giao thông, trẻ sinh non).

Số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng. Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp; 2,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư…

Ước tính, năm 2012, cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó hơn 379.000 ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm; tức là cứ 10 người tử vong thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu là các bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...). Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở mức cao và đang gia tăng ở Việt Nam là: tỷ lệ hút thuốc lá cao, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. 

Theo ThS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, các bệnh không lây nhiễm gây ra những tác động trầm trọng và rộng lớn về kinh tế, xã hội thông qua việc làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động , sản phẩm xã hội. Tại Việt Nam chưa có các đánh giá hoặc ước tính tổng thể gánh nặng kinh tế của các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở các góc độ khác nhau đã phần nào phản ánh được mức độ tổn thất về kinh tế, xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra. Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm cao trung bình gấp 40 – 50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Năm 2015, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra các dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm. Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2015, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch bệnh; trong đó đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất trong phòng chống dịch bệnh...

  Ảnh minh họa

  Bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa.



Nguyên nhân gây bệnh

 

- Nguyên nhân bên ngoài: Do các yếu tố thời tiết thái quá gây bệnh như trời nóng quá, lạnh quá, ẩm thấp quá, khô quá, nhiều gió quá..., được quy thành sáu thứ khí (Lục dâm): Phong, hàn, thử, thấp, táo và hỏa ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

 

Nguyên nhân bên trong: Do các rối loạn cảm xúc-tâm lý thái quá, chủ yếu là lo, buồn, giận, sợ... thái quá kéo dài, lại phải đè nén, câm nín (nuốt giận, giấu buồn, lo sợ không dám thổ lộ) Y học cổ truyền quy thành bảy trạng thái tâm lý: Vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ dẫn đến chính khí suy, sức khỏe giảm sút, suy giảm hệ miễn dịch.

 

Các nguyên nhân khác: Sang chấn, do vi trùng, virus, môi trường ô nhiễm…, ăn uống nhiễm độc chất (thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất bảo quản…).

 

Trong đó nội nhân là chính, vì chỉ khi sức khỏe giảm sút, hệ miễn dịch suy kém thì các yếu tố gây bệnh (ngoại nhân) mới có thể thâm nhập, tấn công cơ thể và gây bệnh, nghĩa là khi bệnh thâm nhập được, tức là sức khỏe đã suy yếu.

 

Kiểm soát bệnh không lây nhiễm

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ cũng đã ban hành thông tư cho phép trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập các khoa/phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, khám tư vấn và điều trị dự phòng…

 

Trước đây các trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh thành chỉ có nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, việc thành lập khoa kiểm soát bệnh không lây nhiễm là nhằm đối phó với thực trạng hiện nay, khi các bệnh không lây nhiễm đã trở thành thách thức lớn nhất với sức khỏe toàn cầu.

 

Thông tư này cũng lần đầu tiên đưa các hoạt động y tế dự phòng tiếp cận theo hướng tích cực chủ động tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, bệnh tật học đường, bệnh liên quan đến dinh dưỡng, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân cho cá nhân và cộng đồng; đồng thời tư vấn, truyền thông nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, tiêm chủng phòng bệnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe mới…

Tổ chức Y tế thế giới ước tính tử vong do các bệnh không lây nhiễm toàn cầu đến năm 2020 sẽ tăng thêm 15% so với năm 2010 (tới 44 triệu người) và đến năm 2030 sẽ tiếp tục gia tăng tới 52 triệu người. Trong vòng 20 năm tới, hàng năm số tử vong do các bệnh nhiễm trùng dự đoán sẽ giảm được khoảng 7 triệu người, tử vong do bệnh tim mạch hàng năm dự đoán sẽ tăng tới 6 triệu người và do ung thư là 4 triệu người.

 

Ở những nước thu nhập thấp và trung bình thấp, gánh nặng tử vong do bệnh không lây nhiễm sẽ tăng gấp 5 lần so với số tử vong do các bệnh nhiễm trùng, thai sản, tử vong sơ sinh và các bệnh dinh dưỡng cộng lại vào năm 2030.

 

Tại Việt Nam cũng đang có sự thay đổi rõ rệt về mô hình bệnh với sự gia tăng nhanh của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của bệnh không lây nhiễm đã vượt quá gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm gây ra.  


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc