Những lưu ý khi cho trẻ sử dụng men vi sinh

06:56, 25/12/2014
|

(VnMedia) - Ths.Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, với mong muốn trẻ ăn uống ngon miệng và mau lớn, cải thiện tiêu hóa, nhiều cha mẹ đã cho trẻ sử dụng men vi sinh. Tuy nhiên nếu việc sử dụng men vi sinh cho trẻ không đúng cách đôi khi gây ra “hiệu ứng ngược” sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Thế nào là men vi sinh

 Ở̉ trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ thì hiện tượng rối loạn tiêu hóa phổ biến là nôn chớ, đau bụng và rối loạn phân. Loại bệnh về tiêu hóa mà trẻ hay gặp nhiều nhất chính là bệnh tiêu chảy. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy đơn giản chỉ là chế độ ăn không thích hợp. Hay cũng có thể một số bệnh do vi khuẩn, vi-rút gây ra như rotavirus, adenovirus. Hoặc nguyên nhân khác cũng có thể do thời tiết gây ra như vào mùa hè, đầu đông trẻ em hay bị tiêu chảy. Bên cạnh đó, những trẻ em có khi những bệnh lý khác mà lại biểu hiện bằng rối loạn phân, chẳng hạn như bệnh viêm phổi…

Men vi sinh và men tiêu hóa hoàn toàn khác nhau. Men vi sinh còn gọi là probiotic, là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Trong ruột già của chúng ta bình thường khỏe mạnh sẽ có chứa những loại vi khuẩn thường trú ở đây và tạo hệ sinh thái cân bằng trong đường ruột, tham gia vào giai đoạn cuối của quá trình tiêu hóa thức ăn và bảo vệ ruột già. Các vi khuẩn này lên men thức ăn, sản xuất acid lactic, acid hóa đường ruột và ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn có hại, hạn chế nhiễm trùng tiêu hóa, khắc phục tình trạng loạn khuẩn ruột, giúp cho hệ miễn dịch tại đường ruột tăng cường hoạt động. Nhờ đó, đường ruột được lành mạnh để thực hiện tốt chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Việc bổ sung các men vi sinh, nhằm nâng cao sức đề kháng cho đường ruột là cần thiết. 
 
Trẻ nào nên sử dụng men vi sinh

Cha mẹ bổ sung men vi sinh cho trẻ trong những trường hợp sau:

- Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, kém hấp thu chất dinh dưỡng, trẻ bị còi xương, chậm tăng cân.
- Trẻ bối loạn tiêu hoá kéo dài với các biểu hiện như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, tiêu phân sống, nôn trớ nhiều.
- Trẻ bị chứng bất dung nạp đường Lactose có trong sữa công thức.

Một số chế phẩm men vi sinh không chỉ chứa các chủng vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn bổ sung cho trẻ thêm các nhóm vitamin thiết yếu, các khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, can xi.. giúp hỗ trợ trẻ ăn ngon miệng và mau có cảm giác thèm ăn sau khi khỏi bệnh, đem lại tác dụng toàn diện giúp trẻ có đường tiêu hóa khỏe mạnh vì những tác dụng hữu ích sau đây:

- Điều chỉnh sự cân bằng của hệ vi sinh trong đường ruột.
- Cạnh tranh và tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa.
- Phòng ngừa tiêu chảy và chứng táo bón ở trẻ.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch của hệ tiêu hóa.
- Tăng cường cung cấp các vitamin và một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
- Cải thiện chứng bất dung nạp đường Lactose.
Sử dụng hợp lý và hiệu quả men vi sinh cho trẻ

Ảnh minh họa
Sữa chua có chứa men vi sinh tốt cho đường ruột. Ảnh minh họa.


Một số nguyên tắc sử dụng men vi sinh:

-  Men vi sinh rất dễ bị hủy bới nhiệt, do đó phụ huynh tuyệt đối không được pha men vi sinh vào nước, cháo hay sữa còn nóng, điều này sẽ làm giảm hoạt lực của men vi sinh vì các vi khuẩn có lợi trong men sẽ bị tiêu diệt đáng kể làm giảm hiệu quả khi sử dụng.

- Nếu bác sĩ kê đơn cho trẻ vừa uống kháng sinh vừa bổ sung cho trẻ men vi sinh, phụ huynh nên cho trẻ uống riêng biệt men vi sinh và kháng sinh để không làm mất tác dụng của men vi sinh, tốt nhất nên cho trẻ uống men vi sinh sau khi trẻ uống kháng sinh ít nhất 30 phút.

- Mặc dù khi đi qua đường tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột non, môi trường a xít ở dạ dày có khả năng phá hủy, tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn, kết quả là số lượng vi khuẩn có lợi tồn tại đến khi có mặt ở đường tiêu hóa dưới bị giảm đi đáng kể, do đó việc sử dụng men vi sinh cho trẻ cần đảm bảo liều lượng “đầy đủ” do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không nên tự ý sử dung men vi sinh cho trẻ.

Một trong những cách bổ sung men vi sinh tự nhiên và an toàn nhất cho trẻ là cho trẻ ăn yaourt hoặc uống sữa chua theo những khuyến cáo dưới đây:

- Bắt đầu tập cho trẻ từ 6 tháng tuổi làm quen với sữa chua hoặc yaourt, lượng sữa chua sẽ tùy theo từng độ tuổi của trẻ. Cụ thể, trẻ từ 6 – 10 tháng tuổi nên tập và cho ăn khoảng 50g sữa chua mỗi ngày, trẻ 1 – 2 tuổi nên ăn khoảng 80g, trẻ trên 2 tuổi ăn 100g, sẽ tương đương một hộp sữa chua.
-  Ngay cả vào mùa đông lạnh, cha mẹ cũng không nên hâm nóng sữa chua trước khi cho trẻ sử dụng, việc này sẽ làm tiêu diệt, hạn chế tác dụng của vi khuẩn có lợi, làm mất khả năng kích thích tiêu hóa cũng như giá trị dinh dưỡng của sữa chua. Để tránh bé bị viêm họng, cha mẹ có thể bỏ sữa chua ra khỏi tủ lạnh khoảng 10 – 15 phút trước khi cho trẻ ăn hoặc uống.
- Sữa chua cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh 6 độ C – 8 độ C và cho trẻ dùng sau bữa ăn khoảng 30 phút.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc