(VnMedia) - Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Thông tư 18/2009/TT-BYT về hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiễm khuẩn bệnh viện (nosocomial infection) là nhiễm khuẩn mắc phải gặp ở bệnh nhân sau khi nhập viện mà ở thời điểm nhập viện không có hoặc không nằm trong thời kỳ ủ bệnh. Triệu chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện có thể xuất hiện sau khi xuất viện.
Nhiễm khuẩn là một nguy cơ đối với bệnh nhân vì nó kéo dài thời gian nằm bệnh viện cùng với đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, gây mất thời gian làm việc và thu nhập của bệnh nhân cũng như người nhà, kèm với lo lắng và các bất tiện. Ảnh hưởng kinh tế và xã hội của nhiễm khuẩn đối với bệnh viện và cộng đồng là đáng kể, do tăng chi phí nằm viện, thuốc men, quần áo, giảm tỉ lệ sử dụng giường bệnh viện. Sự sử dụng rộng rãi kháng sinh điều trị có thể làm tăng sự xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Trong bệnh viện, nhất là tại khoa Săn Sóc Đặc Biệt - Hồi Sức Cấp Cứu, do sự giảm đề kháng của các bệnh nhân yếu kết hợp với sự gia tăng độ tập trung các chủng vi khuẩn gây bệnh, việc giữ gìn vệ sinh không đúng cách lại càng dễ gây ra các đợt nhiễm khuẩn bùng phát, lan truyền nhanh chóng giữa các bệnh nhân, nhân viên, và thậm chí lan ra cả cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở y tế, bởi khi để xảy ra nhiễm khuẩn mắc phải do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin với cơ sở y tế. Vì vậy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải luôn được quan tâm và xây dựng thành những chương trình hành động với kế hoạch cụ thể.
Theo Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí thuốc điều trị. Cùng với sự xuất hiện một số bệnh gây ra bởi những vi sinh vật kháng thuốc hoặc bởi những tác nhân gây bệnh mới, nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn là vấn đề nan giải ngay cả ở các nước đã phát triển.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có đánh giá đầy đủ và có hệ thống nhưng từ năm 1997, Bộ Y tế đã nhận thức đúng tầm quan trọng và ban hành quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BYT hướng dẫn tổ chức công tác nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Qua 5 năm thực hiện, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được hình thành và đi vào hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đáng kể đầu tư cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ cho kiểm soát nhiễm khuẩn tại đây đã được cải thiện đáng kể. Công tác thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn đã có nhiều hoạt động chuyên sâu như giám sát về tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện hiện mắc, mắc mới, giám sát bùng phát dịch, giám sát sử dụng kháng sinh… Tuy vậy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn còn nhiều thách thức như nguồn lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, đa số đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa được đào tạo chuyên ngành nên kiến thức và năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn chế, công tác kiểm soát bệnh viện vẫn còn những tồn tại nhất định...
Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn trong bệnh viện
Nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn bệnh viện là vi khuẩn, một ít trường hợp do virus (ở khoa nhi), và nấm (khoa Hồi sức, bệnh nhân sử dụng nhiều kháng sinh).
Các vi khuẩn có ở mọi nơi, trong không khí, thức ăn, nước, bề mặt môi trường, trong các chủng vi khuẩn bình thường của người và thú vật. Do đó, vi khuẩn có mặt trên da, niêm mạc của bệnh nhân và nhân viên, ví dụ trong mũi, miệng và đường tiêu hóa.
Khả năng gây bệnh của vài loại vi khuẩn đặc biệt tùy thuộc độc lực của chúng và đường vào cơ thể. Nó cũng phụ thuộc vào sức đề kháng với nhiễm khuẩn của bệnh nhân mà sức đề kháng này bị giảm đi nhiều ở bệnh nhân trong bệnh viện. Do đó, những vi khuẩn vô hại ở người khỏe mạnh có thể gây bệnh ở các bệnh nhân nằm viện. Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện thường đề kháng với kháng sinh hơn các vi khuẩn của nhiễm khuẩn mắc phải trong cộng đồng.
Nguồn gốc và ổ nhiễm trùng
- Con người là nguồn chính của các vi khuẩn gây nhiễm, là nhân viên và bệnh nhân. Các bệnh nhân và nhân viên vào bệnh viện với tình trạng nhiễm khuẩn mắc phải trong cộng đồng có thể truyền nhiễm khuẩn đó cho người khác trong môi trường bệnh viện.
- Các dụng cu bị vấy nhiễm, đặc biệt nếu được dùng cho các kỹ thuật xâm lấn như dụng cụ dùng trong lòng mạch, catheter và máy thở là nguồn nhiễm trùng.
-Thức ăn là nguồn nhiễm trùng tiềm ẩn quan trọng. Tránh ngộ độc thức ăn cần giữ vệ sinh khi chế biến, dự trữ thức ăn.
- Môi trường bệnh viện bị vấy nhiễm do vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn trên các bệnh nhân. Các vi khuẩn gây bệnh có thể còn sống và hoạt động được trong một thời gian dài trong môi trường sau khi được phóng xuất từ vật chủ, thí dụ vi khuẩn lao trong bụi, virus viêm gan siêu vi B trong giọt máu khô. Phải dọn vệ sinh môi trường toàn diện và đều đặn để giảm số lượng vi khuẩn và các ổ nhiễm khuẩn. Khi làm vệ sinh, cần chú ý để không gieo rắc các vi khuẩn gây bệnh.
Một nguồn nhiễm khuẩn ẩn từ môi trường là nước. Các tháp nước của hệ thống điều hòa không khí và các hệ thống nước ấm có thể liên quan tới đợt bùng phát nhiễm khuẩn.
Các dịch truyền tĩnh mạch, dịch nuôi ăn qua đường tiêu hóa, các chất khử trùng, nước trong bộ phận làm ẩm của máy thở khi bị vấy nhiễm cũng có thể gây nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Khả năng bị nhiễm khuẩn
Các yếu tố làm tăng khả năng bị nhiễm khuẩn gồm:
-Bản chất của bệnh lý ban đầu: ung thư, viêm da ..
-Trị liệu đang dùng: hóa trị liệu, corticoides.
-Một số phẫu thuật: chỉnh hình, ghép cơ quan.
-Các tổn thương hở da: loét, bỏng, lỗ dò .
-Các dụng cụ xâm lấn như thông tiểu đặt tại chỗ, mở khí quản, catheter, dụng cụ nội mạch.
Đường lan truyền nhiễm khuẩn tuỳ thuộc bản chất của vi khuẩn gây bệnh
-Tiếp xúc trực tiếp bằng tay.
-Tiếp xúc gián tiếp qua các dụng cụ trong nhiễm trùng vết thương.
-Qua không khí khi vi khuẩn vẫn sống sau khi sấy khô môi trường và được mang trên da trong bụi.
-Qua truyền máu .
-Qua đường phân - miệng.
Ý kiến bạn đọc