(VnMedia) - Ths.Bs Nguyễn Diệu Vinh - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi nói đến bệnh lý về tiêu hóa, thường mọi người chỉ tập trung vào tiêu chảy, nhưng trên thực tế, táo bón cũng rất thường gặp ở trẻ và hay bị bỏ qua vì nghĩ bệnh không ảnh hưởng nhiều lắm tới sức khỏe.
Tuy nhiên, táo bón có thể gây ra những hậu quả khó lường, mà điển hình là trẻ biếng ăn, chậm tăng cân và thậm chí suy dinh dưỡng. Khi nào mới gọi là táo bón?
Ảnh minh họa.
Trẻ đi đại tiện như thế nào là bình thường ?
Tùy thuộc vào tuổi và chế độ ăn của trẻ .Trong tuần đầu : đa số trẻ tiêu >4 lần/ngày, phân mềm, lỏng . Trẻ bú mẹ tiêu nhiều hơn trẻ bú sữa bò.
- 3 tháng đầu : Trẻ bú mẹ : tiêu khoảng 3 lần/ ngày. Một số trẻ tiêu sau mỗi lần bú, một số khác tiêu 1lần/tuần. Trẻ bú mẹ hiếm khi táo bón. Trẻ bú sữa công thức tiêu 2-3 lần/ngày.
- Đến 2 tuổi: trẻ tiêu 1-2 lần/ngày, phân khuôn mềm.
- Đến 4 tuổi: trẻ tiêu 1-2 lần/ngày, phân khuôn mềm.
Dấu hiệu trẻ bị táo bón
- Trẻ đi tiêu ít hơn bình thường, khuôn phân to, cứng hoặc dạng viên nén.
- Trẻ đau khi đi tiêu.
- Cong chân hoặc lưng , khóc (đối với trẻ nhỏ) khi đi tiêu.
- Trẻ tránh vào nhà vệ sinh, trẻ trốn vào một góc và nhón gót khi có cảm giác mắc đi tiêu.
- Rỉ ít phân ra quần lót (đối với trẻ lớn)
Lứa tuổi nào hay bị táo bón?
Theo Ths.Bs Nguyễn Diệu Vinh , táo bón gặp nhiều hơn gấp 3 lần ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ : sau khi bắt đầu ăn dặm, khi bắt đầu tập trẻ đi vệ sinh, và sau khi trẻ bắt đầu đi học. Quý phụ huynh nên chú ý các khoảng thời gian này, giúp phòng ngừa táo bón, nhận biết ngay nếu trẻ có táo bón và can thiệp sớm để tránh táo bón ảnh hưởng nhiều đến trẻ.
Chuyển sang chế độ ăn đặc : Trẻ chuyển từ bú mẹ hoặc sữa công thức sang chế độ ăn đặc dễ bi táo bón.
Khi bắt đầu tập trẻ đi vệ sinh : nếu trẻ chưa sẵn sàng đi tiêu, trẻ có thể nín lại, có thể gây táo bón. Đối với trẻ đã bị đau khi đi tiêu hoặc tiêu khó, trẻ càng có khuynh hướng nhịn đi tiêu và làm cho táo bón nặng hơn. Khuyến khích trẻ tiêu ngay khi mắc tiêu.
Nên cho trẻ ngồi trên bồn cầu và có chỗ để chân, đặc biệt khi trẻ sử dụng bồn cầu dành cho người lớn. Nên khuyến khích trẻ đi tiêu vào thời gian thong thả, nhất định mỗi ngày, tốt nhất là sau bữa ăn vì ăn kích thích trẻ đi tiêu.
Khi trẻ nhập học: Trẻ e ngại dùng nhà vệ sinh ở trường vì khác với ở nhà và có nhiều người, điều này làm cho trẻ nín đi tiêu.
Làm gì khi trẻ táo bón?
Phần lớn trẻ táo bón nhẹ hoặc trong thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với một số thay đổi sau:
- Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, và các thức ăn có nhiều chất xơ.
- Uống nước trái cây : nước mận, táo, lê.
- Uống ít nhất 960ml nước (không phải sữa) /ngày
-Tránh sữa, yogurt, phô mai, kem.
- Ngồi trên bồn cầu 5-10 phút sau bữa ăn ( đối với trẻ đang tập đi tiêu)
Khi nào cần cho trẻ đi khám bệnh ?
- Trẻ nhỏ hơn 4 tháng tuổi.
- Trẻ bị táo bón thường xuyên, tái phát.
- Đã điều trị táo bón, nhưng trẻ vẫn chưa đi tiêu sau 24 giờ.
- Có máu trong phân hoặc máu dính ở tã, quần lót.
- Trẻ đau bụng nhiều hoặc đau hậu môn.
Cách ngăn ngừa táo bón cho trẻ
Chế độ ăn
- Nước trái cây: một số loại nước trái cây có thể giúp trẻ làm mềm phân như mận, táo, lê. Không dùng quá 180ml nước trái nguyên chất cho trẻ 1-6 tuổi.
- Nước : không cần thiết uống một lượng nước lớn để trị táo bón, nhưng cần bào đảm trẻ uống đủ dịch. Đối với trẻ trên 1 tuổi, lượng nước hoặc dịch không phải sữa cần thiết là 960 mL hoặc nhiều hơn/ngày. Không cần thiết phải cho trẻ uống nhiều hơn nếu trẻ không khát.
-Thức ăn : cho trẻ ăn chế độ ăn cân bằng, bao gồm ngũ cốc, trái cây và rau. Không cần ép trẻ ăn nhiều những thức ăn này và dùng chế độ ăn nhiều chất sợi .
Tập thói quen đi tiêu đều đặn Khuyến khích trẻ ngồi trên bồn cầu 5 đến10 phút, một đến 2 lần/ngày sau bữa ăn. Khen ngợi và thưởng trẻ cho việc này, ngay cả khi trẻ chưa đi tiêu.
Ý kiến bạn đọc