(VnMedia) - S ố người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có độ tuổi dưới 30. Trong khi, căn bệnh này được nhận định trước đó là xuất hiện nhiều ở người trên 40 tuổi.
Giáo sư Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó trưởng ban thường trực Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho biết tại Hội nghị tổng kết Dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tổ chức ngày 25/12.
Phân tích thực trạng bệnh trên ngày càng có xu hướng trẻ hóa, giáo sư Châu cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do có nhiều người hút thuốc lá, thuốc lào sớm nên nguy cơ các đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, hiện nay, bệnh lý hô hấp đang diễn biến ngày càng phức tạp, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng. Trên thế giới có khoảng 600 triệu bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 6-8 triệu bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen phế quản, với chi phí tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây là gánh nặng lớn cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh có nguy cơ gây tử vong cao và chi phí điều trị tốn kém. Chi phí cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tương đương với chi phí cho ung thư phổi. Chi phí này tăng lên tương ứng với mức độ nặng của bệnh, số ngày nằm điều trị tại viện, đặc biệt tại các khoa điều trị hồi sức cấp cứu.
Trước thực trạng đáng lo ngại của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ đưa nội dung phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản vào chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2012-2015 nhằm nâng cao nhận thức đúng của người dân về bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ để dự phòng.
Ai dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:
- Nam giới, trên 40 tuổi.
- Những người hút thuốc lá, thuốc lào.
- Tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp.
- Tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khói bếp than.
- Bị nhiễm khuẩn hô hấp khi còn nhỏ.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới. |
- Ho
- Khạc đờm
- Khó thở khi gắng sức
- Những đợt cấp của các triệu chứng này thường xảy ra.
Ho và khạc đờm dai dẳng thường xuất hiện nhiều năm trước tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí, mặc dù không phải tất cả mọi người ho và khạc đờm sẽ phát triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Yếu tố bất lợi:
- Phát hiện và điều trị muộn
- Tiếp tục hút thuốc lá
- Môi trường sống, làm việc ô nhiễm
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Điều trị không đúng, không đủ
Lời khuyên cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Khi bạn có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng bạn hãy đi khám bác sĩ.
- Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Bạn cần đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.
- Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu bạn là người hút thuốc lá, thuốc lào. Dùng thuốc cai thuốc nếu cần.
- Đảm bảo không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.
- Thường xuyên tập luyện thể dục. Tập thở theo hướng dẫn của Bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
- Sống lạc quan và lành mạnh.
- Khám bác sĩ nếu tình trạng của bạn của bạn nặng thêm và có các biểu hiện như nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng - thở vẫn gấp và khó.
Ý kiến bạn đọc