Bột ngọt gây hại cho sức khỏe thế nào?

15:21, 19/12/2014
|

Do khẩu vị truyền thống, trong mọi món ăn, người miền Nam đều thích có vị ngọt. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Cùng nằm trên một đất nước, nhưng ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam lại mang một hương vị đặc trưng với phong cách ẩm thực riêng. Với đất Nam bộ nắng gió quanh năm, người ta cảm nhận rõ vị ngọt đặc trưng của các món ăn nơi đây.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), xét về nguyên lý ngũ hành, phương Nam là xứ nóng, tương ứng với hành hỏa, nên thường ăn đồ chua, đắng. Bên cạnh đó, đây còn là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt là nơi sinh sống của rất nhiều loài cá, tạo nên rất nhiều món mắm đặc trưng. Chính vị mặn của mắm đã khiến bữa ăn của người Nam bộ tăng thêm vị ngọt để chế ngự, làm âm dương hài hòa và đảm bảo sự quân bình cho cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia) cũng cho rằng đây là đặc trưng điển hình của người miền Nam trong việc chế biến các món ăn, từ thịt, cá đến nấu canh, pha nước chấm, làm phở, các loại chè, bánh vị ngọt luôn nổi bật, đậm đà hơn các vùng khác.

  Ảnh minh họa
 

Thói quen ăn ngọt gây tác hại cho sức khỏe thế nào?

Dù đã trở thành truyền thống của người Nam bộ, nhưng chuyên gia dinh dưỡng này cũng cảnh báo: “Thói quen ăn ngọt quá nhiều vô hình chung đã đưa thêm một lượng đường vào cơ thể. Điều đó gây ra nhiều tác nhân xấu đến sức khỏe như thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch”.

PGS.TS Lâm cũng cho biết, mặc dù chưa có nhiều số liệu nghiên cứu, nhưng một vài điều tra đã chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ tiểu học thừa cân béo phì và số người trưởng thành bị rối loạn lipid máu, đường máu cao, tim mạch tại TP.HCM luôn cao hơn so với Hà Nội.

Tại hội nghị khoa học về nội tiết chuyển hóa toàn quốc lần thứ VII diễn ra ngày đầu tháng 10 tại Hà Nội, khi tiến hành điều tra trên 11.000 người trong độ tuổi từ 30-69 tuổi, các bác sĩ cho biết tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 5,42%; trong đó đồng bằng sông Hồng 5,81%, cao nhất là Đông Nam Bộ 5,95% và Tây Nam Bộ là 7,18%.

Vị chuyên gia này đánh giá mặc dù béo phì xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân nhưng ăn đường là một trong số những lý do góp phần khiến căn bệnh này gia tăng và có nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bà Lâm cho rằng những người đã có xu hướng dư cân, đường máu cao, tăng huyết áp, tiểu đường, gút, nên hạn chế ăn ngọt.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong thói quen ăn uống của người miền Nam có ưu điểm đó là ăn nhiều rau sống, đồ luộc chứ không nấu chín, hay xào nấu nhiều dầu mỡ như xứ lạnh Bắc Bộ. Cách chế biến này giữ được vitamin, chất xơ, các khoáng chất, chống oxy hóa trong thực phẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý đảm bảo đồ ăn tươi sống phải hợp vệ sinh, sạch để tránh gây bệnh cho đường tiêu hóa.


(theo Zing.vn)

Ý kiến bạn đọc