Thực hư việc "vỗ béo" bắp chuối bằng "thần dược"

13:18, 30/11/2014
|

(VnMedia) - Vừa qua trên một số trang báo điện tử có bài viết "Vỗ béo" bắp chuối, làm chín trái cây siêu tốc bằng.... "thần dược" phản ánh tình trạng sử dụng hóa chất để kích thích, vỗ béo bắp chuối, làm chín trái cây siêu tốc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Ảnh minh họa

 


Bắp chuối là phần hoa chuối chưa trổ buồng hoặc đã trổ buồng nhưng chưa trổ hết. Đây là một món rau dân dã rất được người Việt ưa chuộng với vị chát, ngọt đặc trưng. Theo thông tin các báo đã đưa, chỉ cần xịt một chút thuốc có hoạt chất Ga4 lên bắp chuối, ba ngày sau, bắp chuối đã trở nên to đùng, láng mượt.

Theo Thông tư số 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22-2-2012 của Bộ NN&PTNT, ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam hoàn toàn không có hoạt chất Ga4 trong danh mục được lưu hành. Trong phần danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng chỉ có hoạt chất Gibberellic acid (Ga3) được phép lưu hành để kích thích sinh trưởng các loại cà phê, lúa, bông vải….

Theo kỹ sư Trần Minh Tân, Trưởng phòng Kỹ thuật - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, dù hoạt chất Ga3 được phép lưu hành nhưng người sử dụng luôn được khuyến cáo sử dụng đúng liều lượng (không vượt 0,15 mg/kg đối với trái cây) và phải cách ly 5-7 ngày mới được đưa đi tiêu thụ.

Đây là hoạt chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào hoạt chất độc hại cấp 3, tuy chứa ít chất độc nhưng sẽ rất nguy hiểm cho con người nếu dùng quá liều, vô tội vạ. Riêng đối với viên độc Ga4 mà phóng viên phản ánh thì đây là hàng trôi nổi, cần phải có xét nghiệm mới có thể kết luận được.

Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngặn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai gấp việc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức xác minh thông tin phản ánh trên báo; thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở; truy xuất nguồn gốc các loại hóa chất; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có).

Bên cạnh đó, cần thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại hoa quả, trái cây chín. Đồng thời, báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc