Tăng thuế thuốc lá - mũi tên trúng nhiều đích

07:23, 05/11/2014
|

(VnMedia) - Tại Hội thảo nâng cao năng lực quản lý và triển khai hoạt động Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tăng thuế thuốc lá là một biện pháp hết sức quan trọng để thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật cũng như tăng nguồn thu ngân sách.

 

Ảnh minh họa

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại
của thuốc lá (Bộ Y tế)

Trao đổi với báo chí, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đề xuất đến năm 2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới tuổi trưởng thành ở Việt Nam từ 47,4% xuống 39%. Hiện nay, cứ hai nam giới ở tuổi trưởng thành là có  hút thuốc và theo nghiên cứu tỷ lệ hút thuốc lá thụ động từ những người nam giới trưởng thành này đối với phụ nữ và trẻ em là khoảng trên 30 triệu người.  Vậy phải giảm tỷ lệ hút thuốc bị ảnh hưởng của khói thuốc thụ động qua việc giảm cung, giảm cầu và các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá.

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ lộ trình tăng thuế thuốc lá từ nay đến năm 2018 là từ 65% lên 105% và từ năm 2018 đến năm 2020 là lên 145%. Đây là số liệu được đưa ra qua các nghiên cứu của các trường Đại học, Đại học Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, Đại học Thương mại… và đặc biệt là bài học kinh nghiệm của Tổ chức các nước, đặc biệt là Thái Lan, Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, tăng thuế thuốc lá đảm bảo giảm cung thuốc lá. Khi tăng thuế thuốc là thì giá thuốc lá tăng lên và sự tiếp cận với thuốc lá của người hút sẽ bớt đi, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, nếu tăng thuế thuốc lá thì số lượng tăng thu ngân sách sẽ tăng lên khá lớn, và khi số lượng ngân sách tăng lên thì giúp cho việc chi phí trong công tác động phòng chống tác hại của thuốc lá tăng lên, trong công tác hỗ trợ cho những người mắc những căn bệnh hiểm nghèo từ thuốc lá và đặc biệt có thể giúp cho cả các hoạt động cụ thể của các cơ quan truyền thông của các Bộ, Ban, ngành.

Giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên

“Tăng thuế thuốc lá sẽ giúp tăng giá thuốc lá và đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên tập hút thuốc lá và giúp những người đang hút thuốc lá giảm hay bỏ hút thuốc nhằm góp phần giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Giá thuốc lá càng cao, khả năng tiếp cận với thuốc lá của thanh thiếu niên nói riêng, người hút thuốc càng ít đi," ông Khuê nhận định.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là người hút thuốc (GATS 2010). Nghiên cứu tình hình sử dung thuốc lá trong học sinh độ tuổi 13-15 năm 2007 cũng cho thấy tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17 %. Có 10,3 % học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13-15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai.

Theo đánh giá của các nghiên cứu, khi lựa chọn sử dụng thuốc lá, hầu hết các em không nhận thức đầy đủ nguy cơ gây nghiện, nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dung thuốc lá. Trước tình hình sử dụng thuốc lá rất phổ biến và gánh nặng bệnh tật cũng như kinh tế lớn như vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tiêu dùng thuốc lá là hết sức cần thiết. Vì vậy, tăng thuế chính là biện pháp để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc - một hành vi chứa đựng nguy cơ tử vong sớm lớn nhất mà thanh thiếu niên mắc phải.

WHO: Đem lại doanh thu cho Nhà nước

Theo đánh giá của  Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam hiện là một trong 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Thực tế này đã dẫn đến có đến 62% ca tử vong tại Việt Nam có liên quan đến thuốc lá. 

Cũng theo WHO, tăng thuế thuốc lá là cách hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt có tác dụng đối với những người trẻ tuổi. Theo đó, giá thuốc lá cao sẽ ngăn ngừa việc bắt đầu hút thuốc, khuyến khích những người đang hút thuốc giảm mức độ tiêu thụ hoặc bỏ hẳn và có thể giúp những người đã bỏ thuốc khỏi hút lại.

Thuế cao hơn cũng có thể đem lại doanh thu cho Nhà nước và vì vậy, Nhà nước có kinh phí để thực hiện và thực thi chính sách kiểm soát thuốc lá cũng như chi phí y tế công cộng và các chương trình xã hội.


Kim Thảo - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc