Người Việt tiêu thụ 3 tỷ lít rượu bia/năm

13:26, 15/11/2014
|

(VnMedia) - Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới. Tiêu thụ bia ở Việt Nam hiện đạt mức 3 tỷ lít/năm.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn,  tổ chức ở Hà Nội, ngày 14/11.

Lạm dụng đồ uống có cồn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng và trật tự, an toàn xã hội; là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như ung thư, tim mạch, sơ gan và các rối loạn tâm thần…

Chi phí do lạm dụng đồ uống có cồn cũng tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ bình quân đầu người từ 15 tuổi trở lên năm 2012 là 6,6 lít rượu nguyên chất, cao hơn mức của trung bình thế giới. Tiêu thụ bia ở Việt Nam hiện đạt mức 3 tỷ lít/năm.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới. Đáng chú ý, trong số nam giới uống rượu, bia thì có 1/4 số người uống ở mức có hại và tuổi bắt đầu uống rượu, bia có xu hướng trẻ hóa.

Vì vậy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn là hết sức cần thiết.

Ảnh minh họa

 

Giải pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu bia

Nhằm phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 244/QĐ-TTg về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Theo đó, gi ảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành (15 tuổi trở lên)/năm quy đổi theo rượu nguyên chất từ 12,1% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 10% giai đoạn 2013 - 2016 và 6,5% giai đoạn 2017 - 2020;

Đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong các lực lượng vũ trang không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực; Phòng ngừa người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; phòng ngừa bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Mục tiêu đến năm 2016, 30% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sàng lọc phát hiện sớm, 25% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được tư vấn, điều trị cai nghiện và chống tái nghiện tại cộng đồng, 20% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 50%, 40% và 30%.

Lộ trình thực hiện

Giai đoạn 2014 - 2016 tập trung thực hiện các giải pháp về thông tin, giáo dục, truyền thông; thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; bố trí nguồn lực thực hiện Chính sách; nghiên cứu, rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia; tăng cường các biện pháp quản lý đối với rượu thủ công; chuẩn bị điều kiện về cơ chế, nguồn lực để tổ chức sàng lọc, phát hiện, cai nghiện và chống tái nghiện về rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại cộng đồng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đánh giá sơ kết tình hình thực hiện các mục tiêu của Chính sách.

Giai đoạn 2017 - 2020: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác: Các biện pháp kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia, các biện pháp kiểm soát cung cấp và các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác; kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chính sách.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc