Người Việt Nam khám chữa bệnh tại Việt Nam

06:30, 21/11/2014
|

(VnMedia) - Hành trình tìm kiếm nhân tài từ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt kéo dài xuyên suốt 10 năm qua. Tối 20/11, Lễ trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt 2014” đã được tổ chức tại Hà Nội, nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có những công trình, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên, y dược và môi trường.

>> Nhân tài Đất Việt 2014: Bất ngờ lớn với 3 Quán quân
>> Quán quân Nhân tài Đất Việt 2014 muốn vươn ra thế giới 

Công trình “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”- của PGS.TS. Trần Ngọc Lượng - Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Công trình “Chế tạo hệ thống chủng giống virus vaccine Rota và sản xuất vaccine Rota vin-M1 tại Việt Nam của PGS.TS. Lê Thị Luân - Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế là hai công trình đạt giải Nhất trong lĩnh vực Y dược của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt  2014.

Người Việt Nam khám chữa bệnh tại Việt Nam

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Nguyễn Quốc Triệu trao giải lĩnh vực Y dược.
Ảnh
Đức Huy.

Là người sáng tạo ra kĩ thuật mổ nội soi tuyến giáp, PGS.TS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là một trong những bàn tay vàng trong ngành Y tế Việt Nam. Trong khi các bác sĩ trẻ ở Việt Nam luôn mong muốn xuất ngoại để nâng cao tay nghề thì giáo sư-bác sĩ ở các nước như Úc, Singapore, Malaysia… lại khăn gói sang Việt Nam để mong học được kỹ thuật mổ tuyến giáp mang tên Dr.Lương.

Ưu điểm của mổ nội soi là không để lại sẹo trên cổ. Mặt khác, khi mổ nội soi, đường rạch da nhỏ, chỉ khoảng 0,5-1cm (lồng từ nách và lồng ngực lên cổ) nên bệnh nhân không cảm thấy khó chịu khi nuốt, thở, thời gian phục hồi ngắn hơn nhiều so với mổ mở cổ điển…

Sau khi nhận giải Nhất của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, PGS.TS Trần Ngọc Lương chia sẻ  với phóng viên Báo Điện tử VnMedia , qua Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sẽ có nhiều người dân biết đến công trình nghiên cứu về mổ nội soi tuyến giáp. Đồng thời cũng khẳng định rằng, người Việt Nam làm chủ được kỹ thuật trong y khoa, không kém gì các nước trên Thế giới. Theo đó việc khám chữa bệnh tại Việt Nam với chi phí thấp. Ông Lương cho biết, với kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp trong nước chỉ khoảng 300-400 USD, còn ở nước ngoài phải mất từ 7.000-8.000 USD mà điều quan trọng là không khác các kỹ thuật của các nước trên Thế giới.

PGS.TS Trần Ngọc Lương chia sẻ thêm, ông là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và thực hiện kỹ thuật này mà lại chưa được học hỏi ở đâu nên ông phải rất thận trọng, việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu.

Cũng như các cuộc vận động, các dự án, "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Người Việt nam dùng thuốc Việt Nam", PGS.TS Trần Ngọc Lương mong muốn "Người Việt Nam  khám chữa bệnh tại Việt Nam", không cần phải ra nước ngoài, không mất kinh phí và tiết kiệm cho người dân.

Nói về bí quyết của mình, ông Lương chỉ đưa ra một ví dụ ở Hàn Quốc, phẫu thuật tuyến giáp bằng robot mất gần 2 giờ đồng hồ, trong khi đó kỹ thuật mổ nội soi trong nước không cần đến những thiết bị mổ nội soi phức tạp và trong 20-30 phút mà vẫn an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ, 3 ngày sau bệnh nhân có thể ra viện. Việc "xuất ngoại" kỹ thuật mổ tuyến giáp mang tên Dr. Lương đã trở thành niềm vinh hạnh của ngành y tế Viêtnj Nam. 

Năm 2012, công trình của  PGS.TS Trần Ngọc Lương được vinh danh là 1 trong 10 thành tựu lớn nhất ngành Y tế Việt Nam. Ngoài ra PGS.TS Trần Ngọc Lương đang tiến hành nghiên cứu về phẫu thuật mạch máu bàn chân cho người tiểu đường giảm thiểu các trường hợp cắt cụt chi đối với các bệnh nhân tiểu đường, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong điều trị tại Bệnh viện Nội tiết.

Việt Nam đứng thứ hai của châu Á tự sản xuất được vaccine Rota

Ảnh minh họa


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Phạm Thanh Hà trao giải công trình
đầu tiên đạt giải lĩnh vực Y dược. Ảnh Đức Huy.

Tháng 8/2012, lần đầu tiên vaccine Rotavin - M1 phòng bệnh tiêu chảy được đưa ra thị trường. Sự kiện này đánh dấu thành công của PGS.TS Lê Thị Luân (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế) cùng cộng sự sau 16 năm nghiên cứu và cũng là thành tựu to lớn của ngành y học dự phòng nói riêng và ngành y tế nói chung. Thành công này khẳng định Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vaccine Rota với công nghệ cập nhật quốc tế, đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao.

Vaccine Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt trên trẻ 6-12 tuần tuổi tương đương với vắc xin Rotarix của Bỉ, nhưng giá chỉ bằng 1/3, giúp giảm khoảng 7.000 ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000- 140.000 lần trẻ phải nhập viện do mắc tiêu chảy vi rút Rota.

Sau khi Lễ trao giải thưởng kết thúc, PGS.TS Lê Thị Luân phấn khởi chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VnMedia , "Với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cả ngành Y tế đều vui, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng vui. Đây là giải thưởng danh giá của Nhà nước, tôi rất tự hào khi nhân được Nhân tài Đất Việt, Đây cũng là niềm vinh dự của rất nhiều người, là thành tựu của ngành Y tế".

Giải thưởng ngoài sự mong đợi  và là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với chị và đồng nghiệp. Bởi vì thực tế, các công trình  nghiên cứu chủ yếu nhằm phục vụ cộng đồng, chị Luân chia sẻ thêm.

PGS.TS Lê Thị Luân vui mừng tâm sự, đây cũng là loại vaccine đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất từ chủng virus của người Việt Nam nên hoàn toàn phù hợp với người Việt. Thành quả nghiên cứu của chị đang dần được phổ biến, tin tưởng trong cộng đồng, tạo thêm nhiều cơ hội cho trẻ em nghèo được tiếp cận với vaccine phòng bệnh. 

Hiện nay vaccine đã được phủ ở 61 tỉnh, thành phố, các gia đình có hiểu biết đã đưa con em mình đến uống tại các Phòng khám Dịch vụ. Vaccine Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt đối cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến trước  6 tháng tuổi với 2 liều cách nhau 2 tháng, tương đương với vắcxin Rotarix của Bỉ đang được lưu hành ở nước ta.

PGS.TS Lê Thị Luân hy vọng trong thời gian tới vaccine sẽ được dùng cho tất cả trẻ em trên toàn quốc. Hiện Tổ chức Y tế thế giới đang yêu cầu đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trước đó, PGS.TS Lê Thị Luân là một nhà khoa học nữ được đón nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013- giải thưởng cao quý tôn vinh những nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.

Việc nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 của PGS.TS.BS Lê Thị Luân và các cộng sự không chỉ góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật cho trẻ em Việt Nam mà còn góp phần khẳng định vị trí của khoa học vắc xin Việt Nam trên thế giới.

Không ngừng nghiên cứu. PGS.TS Lê Thị Luân  đang tham gia cùng lúc ba đề tài nghiên cứu quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế gồm nghiên cứu vaccine bại liệt bất hoạt, vaccine tay chân miệng, vaccine đa giá. Hiện chị phụ trách toàn bộ việc nghiên cứu sản xuất vaccine chân tay miệng (đã xong khâu tạo chủng giống) và tham gia những quy trình chính của việc nghiên cứu sản xuất vaccine bại liệt tiêm, thay cho vaccine uống (đã qua giai đoạn tiền lâm sàng, với chủng giống được nhập từ Viện Bại liệt Nhật Bản).


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc