Dấu hiệu có thể bạn bị ung thư đại - trực tràng

14:34, 22/11/2014
|

(VnMedia) - Ung thư đại - trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 5 trong số các loại ung thư thường gặp tại Việt Nam. Theo thống kê, hàng năm ở Việt Nam số ca mắc mới ung thư đại - trực tràng là hơn 8.700 ca và số ca tử vong là gần 6.000 ca.

Đó là thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học tiến bộ của điều trị ung thư đại - trực tràng di căn tổ chức chiều 21/11, tại Hà Nội.

Giáo sư Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết, theo thống kê tại bệnh viện, đa số các trường hợp ung thư đại - trực tràng khi đến bệnh viện được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã ở tình trạng di căn. Chính vì vậy tình trạng bệnh khi phát hiện muộn ảnh hưởng khá lớn đến việc điều trị, khả năng chữa khỏi không cao, chi phí điều trị tốn kém…

Giáo sư Khoa cho hay, ung thư đại - trực tràng hoàn toàn có thể chữa trị nếu người bệnh được phát hiện kịp thời, phát hiện sớm. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại - trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này.

Dấu hiệu của ung thư đại - trực tràng bao gồm: Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Bệnh xuất hiện nhiều ở những người trung niên, trên 50 tuổi. Những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao. Do vậy, để phát hiện ung thư đại - trực tràng, cách hiệu quả nhất là người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát căn bệnh này sớm thông qua xét nghiệm máu, nội soi toàn bộ đại tràng, siêu âm… nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm.

Ảnh minh họa

 

Ảnh minh họa.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại - trực tràng

- Tuổi: 9/10 bệnh nhân bị ung thư đại - trực tràng trên 50 tuổi.
- Có tiền sử bị pôlíp đại - trực tràng: vài loại pôlíp làm tăng nguy cơ bị ung thư đại - trực tràng, nhất là pôlíp có kích thước lớn hoặc có nhiều pôlíp.
- Có tiền sử mắc bệnh đường ruột: hai bệnh Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại - trực tràng. Trong các bệnh này, đại tràng thường bị viêm kéo dài và niêm mạc có thể bị loét. Những bệnh nhân này cần được làm xét nghiệm theo dõi nhiều lần.
- Tiền sử gia đình: có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư đại - trực tràng, nhất là thân nhân có quan hệ huyết thống gần thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao, nhất là khi ung thư xảy ra trước tuổi 60. Các gia đình này cần làm các xét nghiệm tầm soát ung thư.
- Khẩu phần ăn: thức ăn chứa nhiều mỡ, nhất là mỡ động vật làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại - trực tràng.
- Thiếu vận động: người ngồi một chỗ dễ bị mắc bệnh ung thư đại - trực tràng.
- Béo phì: làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại - trực tràng.
- Hút thuốc lá: hầu như ai cũng biết hút thuốc lá dễ bị ung thư phổi. Nghiên cứu gần đây cho thấy người hút thuốc lá còn chết vì ung thư đại - trực tràng nhiều hơn người không hút 30-40%. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nữa.
- Uống rượu: uống rượu nhiều cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư đại - trực tràng.

Tầm soát bệnh ung thư đại trực trạng

- Test tầm soát: giúp phát hiện sớm bệnh. Khi đã biết bệnh sớm, điều trị sớm thường giúp trị tiệt căn. Tầm soát cũng giúp tìm ra và cắt políp, cũng là một cách phòng ngừa ung thư tốt.

- Ăn uống: Theo khuyến cáo nên dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nên ăn trái cây và rau cải mỗi ngày cùng với hạn chế dùng thức ăn nhiều mỡ.

- Vận động thường xuyên cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại - trực tràng. Thời gian vận động là ít nhất 30 phút cho 5 ngày trong tuần hoặc hơn nữa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tuổi tác là yếu tế khó có thể kiểm soát được bệnh. Hơn một nửa bệnh ung thư xảy ra ở những người lớn tuổi. Hiện nay, tuổi thọ ngày càng tăng, do vậy chúng ta luôn luôn đối mặt với những yếu tố nguy cơ ung thư đại - trực tràng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc