Báo động: Tăng quá nhanh người Việt mắc bệnh đái tháo đường

08:17, 05/11/2014
|

(VnMedia) - Chiều 4/11, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân “Ngày phòng, chống đái tháo đường thế giới” (14/11) nhằm cung cấp thông tin về phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường, qua đó giúp người dân nhận thức đầy đủ về bệnh đái tháo đường để thực hiện lối sống lành mạnh, đặc biệt tăng cường vận động thể lực, ăn uống hợp lý, nhằm phòng chống bệnh đái tháo đường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường đã và đang gia tăng nhanh chóng ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.

ThS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường đang gia tăng quá nhanh tại Việt Nam. Trong vòng 10 năm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng 200% trong khi Tổ chức Y tế Thế giới dự báo trên thế giới chỉ tăng 54% nhưng trong 20 năm.

Các kết quả điều tra cho thấy, năm 2002, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường lứa tuổi 30 - 64 tuổi toàn quốc là 2,7% và tăng lên 5,4% năm 2012. Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ đái tháo đường quốc gia tăng nhanh hơn dự báo của thế giới.

Điều đáng chú ý, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán tại cộng đồng cao. Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ người bệnh chưa được chẩn đoán năm 2002 là 64,6%, năm 2012 là 63,6%. Các chuyên gia cho rằng có gần 5 triệu người đang bị bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán.

Ngay cả những bệnh nhân đã được chẩn đoán, việc điều trị chưa phải là tối ưu, đa số bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị. Dữ liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán, thì khoảng sáu trường hợp đã có biến chứng do đái tháo đường.

Tổ chức Y tế thế giới dự báo, đái tháo đường sẽ trở thành nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới vào năm 2030. Đái tháo đường trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Đái tháo đường là một nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, cắt cụt chi và tổn thương thận. Thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường, cùng với việc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và các thuốc thiết yếu có thể dẫn đến các biến chứng trên.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí.


Nhiều trẻ 11 đến 15 tuổi mắc bệnh đái tháo đường  

ThS.BS. Phan Hướng Dương nhấn mạnh, bệnh đái tháo đường tuýp 2 được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh âm thầm tiến triển trong cơ thể con người. Vì vậy, có một số lượng không nhỏ người chỉ có thể phát hiện ra  mình bị bệnh khi đã có biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch… Do đó, việc người bệnh phát hiện muộn sẽ gây thêm những tốn kém cho công tác điều trị bệnh cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống.

Trước đây, bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 mắc ở lứa tuổi còn rất trẻ : 11-15 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh ở lứa tuổi thiếu niên, đây là yếu tố nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường tuýp 2. 

Các chuyên gia khuyến cáo, để dự phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút/ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá.

* Ngày phòng chống đái tháo đường thế giới (14-11) năm nay tập trung vào chủ đề “Sống lành mạnh và đái tháo đường”. Chương trình “Làng thay đổi đái tháo đường” do Bộ Y tế tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 16/11 tại bốn địa điểm: TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ với các hoạt động chính như cung cấp thông tin,kiến thức về bệnh đái tháo đường, khuyến khích lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý, sàng lọc những người có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường, sàng lọc đường huyết cho những người có nguy cơ, tư vấn y tế cho những người có đường huyết cao, giáo dục cho các bệnh nhân về đái tháo đường.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc