Trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp tăng cao

07:15, 04/10/2014
|

(VnMedia) - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, năm nào cũng vậy, tháng 9 và tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ. Ước tính lượng trẻ nhập viện vì các bệnh đường hô hấp những ngày qua tăng 20-30% so với bình thường.

 

Nguyên nhân do thời tiết miền Bắc đang chuyển từ thu sang đông; ngày nắng nóng, sáng và đêm se se lạnh. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm độ ẩm trong không khí tăng khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng gia tăng.

 

Thực tế, có trẻ vừa điều trị trong bệnh viện một tuần, chuẩn bị xuất viện thì lại mắc một loại bệnh khác. Đó là do đề kháng cơ thể của trẻ yếu và sự lây chéo trong bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, con gái 3 tuổi rưỡi của chị vừa dứt đợt điều trị viêm phổi trong 5 ngày, sang ngày thứ sáu chuẩn bị đi đi học thì cháu lại đột ngột sốt cao, đi khám bác sĩ lại kê thuốc kháng sinh tiếp vì cháu viêm họng có mủ.

 Ảnh minh họa

 Bệnh nhi đến đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Kim Thảo.

 

Không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh

 

Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh chú ý tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng; giữ vệ sinh sạch sẽ... Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, nhất là kháng sinh.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, có nhiều trường hợp trẻ khi chuyển đến viện thì đã viêm phổi, viêm tiểu phế quản chỉ vì cha mẹ nghĩ bệnh đơn giản, tự chữa ở nhà. Nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu.  

Theo bác sĩ Dũng, cùng biểu hiện ho, sốt nhưng có thể là do virus hoặc vi khuẩn; ngay cả bác sỹ với nhiều năm kinh nghiệm cũng phải dùng nhiều biện pháp thăm khám mới dám kết luận chính xác để từ đó quyết định xem có nên dùng kháng sinh hay không, nếu dùng thì loại nào, liều lượng bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Trong khi đó, nhiều cha mẹ cứ thấy con ho, sốt là tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng, hoặc lấy đơn thuốc cũ cho con, thậm chí còn mượn đơn thuốc của hàng xóm.

 

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng không đúng loại và liều lượng không chỉ khiến bệnh thêm nặng mà còn để lại biến chứng như gây dị ứng, kháng thuốc… và kéo dài thời gian điều trị bệnh, bác sĩ Dũng cho hay.


Với các bệnh đường hô hấp trên, trẻ chỉ sốt, ho, viêm họng do vi rút thông thường thì được kê đơn điều trị ngoại trú. Chỉ những trẻ có biểu hiện ho, viêm phổi, sốt cao có dấu hiệu suy hô hấp, biến chứng phổi mới nhập viện theo dõi điều trị.

 

Với những bệnh nhi ngoại trú, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến bệnh cực kỳ nhanh. Với nhóm tuổi này, các bậc phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu cơ bản để xác định tình trạng bệnh của bé, kịp thời đưa tới viện. Đó là theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé.

Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Tuy nhiên, có những trẻ chỉ có một biểu hiện trong ba biểu hiện đó nhưng đã bị viêm phổi. Vì thế, cha mẹ không nên “đợi” có đầy đủ dấu hiệu mới đi khám mà thấy trẻ có bất thường về giấc ngủ, hay thấy thở nhanh thì nên đưa con đi khám sớm nhất.

Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước, chơi ở nơi thoáng mát. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng tấm trải sàn. Ngoài ra cũng cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình (khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen). Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó.    

Một số bệnh trẻ dễ mắc khi thời tiết chuyển mùa

Viêm đường hô hấp: Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại virus hợp bào rất phát triển. Virus này xuất hiện trong không khí gây bệnh viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Những dấu hiệu của bệnh là sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở.

Hen suyễn do dị ứng: Hen suyễn dị ứng thường là do cơ thể phản ứng với thứ gây dị ứng như phấn hoa, lông thú vật, nấm mốc… gây ra. Triệu chứng thường gặp nhất của hen suyễn dị ứng thường là khó thở.

 

Cảm cúm: Do mùa thu lúc nóng, lúc lạnh nên cơ thể dễ bị cảm cúm. Vì vậy, chúng ta phải có thói quen rèn luyện sức khoẻ để tránh rét ngay từ mùa thu, phải chú ý đến thời tiết để mặc thêm quần áo hoặc cởi bớt ra.

Mùa thu thời tiết tưởng như mát mẻ, dễ chịu nhưng lại là thời điểm và khoảng thời gian các vi khuẩn gây bệnh phát triển đồng thời hệ miễn dịch của con người vào mùa thu cũng yếu hơn nên chúng ta rất dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, hen suyễn dị ứng, đau mắt đỏ…Để phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng bạn nên giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, luôn đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế tiếp xúc với khói bụi, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.  


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc