(VnMedia) - Theo tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc chì nguy hiểm, đặc biệt với sự phát triển của trẻ em. Ở nước ta, ngộ độc chì vẫn đang xảy ra, đặc biệt do các thuốc cam chứa chì và việc sản xuất, tái chế, sửa chữa ắc quy không an toàn.
Theo thống kê của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong hai năm từ 2011 đến 2012, bệnh viện này đã tiếp nhận 2.550 người đến khám do có những biểu hiện ngộ độc kim loại chì, trong đó có 750 trẻ có lượng chì trong máu ở mức 10 mcg/dL.
Theo các chuyên gia y tế, nếu nồng độ chì trong máu ở mức 5 mcg/dL là trẻ đã bị nhiễm độc chì, từ 7 mcg/dL trở lên sẽ xảy ra những thay đổi hoạt động thần kinh của trẻ, làm giảm sút trí tuệ.
Từ năm 2013 đến nay, số bệnh nhân đến khám ngộ độc chì tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn ở mức báo động. Cụ thể, trong số 797 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc chì đến khám thì có 179 trẻ em có hàm lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Những con số trên mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” do đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về số người bị ngộ độc chì trong cả nước.
Theo một số nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trẻ em bị ngộ độc chì chủ yếu do sử dụng thuốc cam của thầy lang trong cộng đồng để chữa tưa lưỡi, qua xét nghiệm một số mẫu thuốc cam do bệnh nhân mang đến, có mẫu thuốc chứa tới 80% hàm lượng là chì, các mẫu còn lại trung bình từ 20-30% là chì; trong khi đó, người trưởng thành mắc bệnh đa phần do môi trường lao động.
Các bác sĩ cho biết, triệu chứng ngộ độc chì ở đối tượng trẻ ít tháng tuổi thường khó phát hiện hơn. Đối với nhóm tuổi lớn hơn, triệu chứng cơ bản của nhiễm độc chì là rối loạn ý thức, đau đầu, co giật, chậm phát triển chiều cao, cân nặng, chậm phát triển về trí tuệ, viêm gan, tăng men gan, đặc biệt bị thiếu máu rất nặng buộc phải cấp cứu khẩn cấp…
ThS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, không cho con em dùng thuốc cam, thuốc tễ không rõ nguồn gốc; không chơi đồ chơi lòe loẹt không rõ xuất xứ; tránh, hạn chế tiếp xúc với những làng nghề liên quan đến tái chế vật dụng có chứa chì; không dùng sơn có chứa chì… Các bà mẹ có dấu hiệu sa sút trí tuệ, thiếu máu nên nghĩ đến ngộ độc chì và đưa con đi khám để được thải chì, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa...
Chì vào cơ thể bằng cách nào?
Qua đường hô hấp: do hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì. Trẻ em tiếp xúc với các chất độc trong khí thở nhiều hơn so với người lớn. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi ở trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn.
Qua đường tiêu hóa: qua ăn, uống, do bàn tay (không vệ sinh tay trước khi ăn uống, đưa tay lên miệng) hoặc ngậm, mút các đồ vật có chì (trẻ em). Trẻ em hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn trong khi người lớn chỉ hấp thu 10-15%. Đói, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt thiếu các ion như sắt, canxi, kẽm làm hấp thu chì qua đường tiêu hoá tăng lên. Như vậy, những người sống ở các khu vực ô nhiễm chì nếu chế độ ăn thiếu các chất khoáng trên thì càng dễ bị ngộ độc chì.
Qua da: tuy kém hơn so với đường hô hấp và tiêu hóa nhưng vẫn gây ngộ độc, đặc biệt khi tiếp xúc kéo dài. Ô xít chì (thường gặp ở dạng hồng đơn, được dùng trong các thuốc nam lưu hành bất hợp pháp) hấp thu dề dàng qua da. Tỷ lệ diện tích da cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ em cũng lớn hơn người lớn nên hấp thu chất độc cũng nhiều hơn.
Qua nhau thai, sữa mẹ: chì qua nhau thai nên mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc. Nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ. Chì có thể qua sữa mẹ, tuy nhiên thông tin về con đường tiếp xúc này còn chưa đầy đủ.
Tác hại của chì
- Chì là chất độc phức tạp, có nhiều tác dụng khác nhau trên hầu hết các cơ quan của cơ thể.
Độc tính với thần kinh:
- Với thần kinh trung ương, chì gây tổn thương tế bào, gây chết tế bào thần kinh, kích thích thần kinh trung ương.
- Gây hủy hoại, thoái hóa dây thần kinh.
- Chì gây thiếu máu do ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ của hồng cầu do làm hồng cầu dễ bị vỡ.
- Gây tổn thương thận, làm giảm thải trừ a xít uric qua nước tiểu nên gây tăng a xít uric và bệnh gout.
- Thông qua nhiều cơ chế khác nhau chì gây tăng co bóp thành mạch máu dẫn tới tăng huyết áp.
- Ngộ độc chì gây giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ giới. Giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng, thay đổi bất thường hình thái và tính di chuyển của tinh trùng, đặc biệt khi chì máu trên 40mcg/dL. Chì độc với trứng.
- Chì qua được nhau thai để tới bài thai. Nếu mẹ bị ngộ độc chì thì bào thai sẽ bị ngộ độc chì. Chì máu mẹ trên 15mcg/dL tăng nguy cơ chậm phát triển của thai. Chì máu dưới 25mcg/dL có thể rút ngắn thời gian mang thai, giảm cân nặng của trẻ khi sinh. Chì còn gây tăng tăng tỷ lệ để non, sẩy thai, chậm phát triển trẻ sau sinh, tăng tỷ lệ các dị dạng thai và suy giảm sớm về tình trạng thần kinh tâm thần sau đẻ.
- Chì gây dị dạng thai: thường là u máu, u lympho, hydrocele, skin tag, hở hàm ếch.
- Giảm chức năng tuyến giáp, chức năng nội tiết tuyến yên-thượng thận được thấy trên công nhân làm việc với chì. Trẻ em có nồng độ chì máu tăng có hiện tượng giảm tiết hormone và yếu tố tăng trưởng.
- Xương là nơi chì tập trung nhiều nhất của cơ thể.
- Chì làm giảm hình thành xương mới và mất cân bằng các tế bào xương. Giảm tăng trưởng xương và giảm chiều cao ở trẻ em bị ngộ độc chì.
- Co thắt ruột gây cơn đau bụng chì.
Dấu hiệu ngộ độc chì
Trẻ em:
- Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.
Biểu hiện rõ:
- Thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.
- Tiêu hoá: Nôn, đau bụng, chán ăn
- Máu: thiếu máu
Người lớn:
- Thần kinh trung ương: lơ mơ, lẫn lộn, sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt.
- Tiêu hoá: miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, cơn đau bụng.
- Cơ, xương, khớp: đau cơ, yếu cơ, đau khớp
- Máu: thiếu máu, người ta đã thấy độc tính của chì với máu ngay cả khi chì máu dưới 10mcg/dL.
- Sinh sản : giảm tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ xảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai,...
- Thận: Bệnh thận.
- Ngộ độc mạn tính biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ tương quan với nồng độ chì máu. Đặc biệt chì máu có tương quan với mức độ tăng huyết áp, mức độ các rối loạn của lão hoá, bao gồm suy giảm trí tuệ, các bất thường điện não, rối loạn chức năng thận mạn tính và đục thuỷ tinh thể.
- Người bệnh có thể cảm thấy bất thường nhưng thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm và khám chuyên khoa và đánh giá kỹ lưỡng.
Ý kiến bạn đọc