(VnMedia) - Tính đến ngày 23/10, thế giới đã ghi nhận 10.002 trường hợp mắc Ebola, trong đó 4.926 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, 252 cán bộ y tế đã tử vong vì dịch bệnh này.
Thông tin được Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế công bố trên website cho biết, theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục gia tăng cả về số mắc và số tử vong, chủ yếu tại 3 quốc gia Tây Phi. Tích lũy từ tháng 12/2013 đến ngày 23/10/2014, thế giới đã ghi nhận 10.002 trường hợp mắc, trong đó 4.926 trường hợp tử vong.
Liberia là nước có số người mắc và tử vong vì Ebola lớn nhất, lần lượt là 4.665 trường hợp và 2.705 trường hợp; Tiếp theo là Sierra Leone với 3.706 trường hợp mắc, trong đó 1.259 trường hợp tử vong; Guinea có 904 trường hợp tử vong trong số 1.540 trường hợp mắc; Congo có số người mắc và tử vong lần lượt là 66 trường hợp và 49 trường hợp; Nigeria có 20 trường hợp mắc, trong đó 8 người tử vong; Mỹ có 1 người tử vong trong số 3 người mắc; Tây Ban Nha và Senegal cùng có 1 trường hợp mắc, không có trường hợp nào tử vòng.
Đáng chú ý, 451 trường hợp là cán bộ y tế đã mắc dịch bệnh này, trong đó có 252 trường hợp tử vong. Các trường hợp nhiễm bệnh do virus Ebola ngoài châu Phi đều là nhân viên y tế trước đó tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân Ebola. Tại Senegal và Nigeria, WHO thông báo đã 42 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới Ebola.
WHO đang phối hợp cùng Liên hợp quốc và nhiều quốc gia triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn vụ dịch lớn nhất trong lịch sử dịch Ebola lần này.
Phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đặc biệt khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Bảo đảm vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Cán bộ y tế đi làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng, cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn; nếu đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc bệnh cần theo dõi và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên; nhân viên chăm sóc y tế cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần nghĩ tới ngay khả năng có thể bị mắc bệnh do virus Ebola.
Ý kiến bạn đọc