Nhà trường cho phép học sinh đau mắt đỏ nghỉ

07:32, 20/09/2014
|

(VnMedia)Đó là yêu cầu của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đối với những học sinh bị đau mắt đỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.



Để phòng tránh bệnh lây lan trong các trường học, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các nhà trường cần tập trung hơn nữa công tác vệ sinh trường, lớp, bếp ăn, khu vệ sinh, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, vật dụng,... Đối với các cháu cần duy trì thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay, rửa mặt bằng khăn riêng. Đồng thời theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe học sinh và giáo viên tại trường để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho gia đình đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Các trường hợp mắc viêm kết mạc cấp, nhà trường phải có biện pháp kiểm soát, tránh để các cháu tiếp xúc trực tiếp với các bạn, phối hợp cùng phụ huynh cho con nghỉ học đến khi khỏi bệnh. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch theo quy định.

Tại quận Long Biên, tính đến thời điểm ngày 17/9/2014, toàn quận ghi nhận lũy tích 224 ca viêm kết mạc cấp, phân bố tại 14/14 phường. Một số phường có số người mắc cao là Đức Giang (59 ca), Bồ Đề (48 ca), Giang Biên (32 ca), Ngọc Lâm (21 ca), Thượng Thanh (20 ca), Phúc Lợi (16 ca). 16 trường tiểu học đóng trên địa bàn quận có học sinh đau mắt đỏ, trong đó nhiều nhất là hai trường Tiểu học Đức Giang và Tiểu học Giang Biên.

Nhằm sớm ngăn bệnh đau mắt đỏ bùng phát, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức trong cộng đồng; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê chính xác số lượng bệnh nhân mắc viêm kết mạc cấp; theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh để phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch, báo cáo ngay về Sở Y tế nếu bệnh nhân gia tăng.

Biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ cho trẻ

- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với nước sạch, xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn. Thói quen rửa tay cần được thực hiện đều đặn hàng ngày, nhất là trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật có khả năng nhiễm bệnh...
- Không dùng tay dụi mắt.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt hoặc đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc