(VnMedia) - Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, máy phát điện hoạt động trong môi trường phòng kín vô cùng nguy hiểm.
Mới đây tại Quảng Ninh đã xảy ra vụ việc 6 người chết tại một quán karaoke và 6 người khác phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu của vụ việc cũng được xác định do các nạn nhân bị ngạt khí của máy phát điện. Theo báo cáo từ các bệnh viện, hiện tại sức khỏe của các nạn nhân có chiều hướng xấu đi khi bị suy đa phủ tạng do nhiễm độc nặng. Đây là một bài học tiếp tục cảnh báo về cách sử dụng các thiết bị máy phát điện, máy sưởi… đối với người dân.
Các nạn nhân trong vụ ngạt khí tại quán karaoke ở Quảng Ninh đang được điều trị. (Ảnh nguồn SGGP) |
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duệ, khi máy phát điện hoạt động, nó sẽ cháy yếm khí, sinh ra loại khí độc là khí CO, nhanh chóng chiếm chỗ của ôxy, người hít phải khí độc sẽ bị ngạt. Đây là dạng ngạt tế bào, ngạt hệ thống, chữa rất khó. Với những trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời, để thiếu ôxy não lâu sẽ dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duệ cũng cho biết, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận những trường hợp bị hôn mê do ngạt khí khi dùng máy phát điện tại nhà riêng. Từng có một bệnh nhân tại Hà Nội, xuống tầng hầm đổ xăng cho máy phát điện đang hoạt động trong ngày hè mất điện, anh bị ngạt khí ngất ngay tại chỗ, may được người nhà phát hiện đưa vào viện cấp cứu.
Ngoài ngạt khí do máy phát điện, hằng năm, Trung tâm chống độc còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngạt khí do sưởi ấm bằng bếp than hoặc bếp củi trong phòng kín. Vì vậy, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duệ, khi sử dụng máy phát điện, các thiết bị sưởi ấm người dân cần hết sức cẩn thận. Khi sử dụng các thiết bị này cần tránh để trong môi trường quá kín mà không có thiết bị thông gió, thông hơi đi kèm.
Biểu hiện của người ngạt khí
Khi bị ngạt khí CO, nạn nhân sẽ có các biểu hiện như nhẹ thì đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, da đỏ lên… dễ nhầm là bị nhiễm virus. Nặng hơn một chút thì nạn nhân bị đau ngực, nhìn mờ, lơ mơ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ… chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu và có thể tử vong nếu kéo dài.
Khi bị ngạt khí CO nặng thì nạn nhân đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Người ngoài có thể thấy nạn nhân bị ngất, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần hoặc có những động tác bất thường.
Cách cấp cứu người bị ngạt khí
Khi có người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Sau đó, ngay lập tức đưa nạn nhân tới bệnh viện để kịp thời cấp cứu và điều trị.
Người cấp cứu nạn nhân nên gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng trường hợp bị ảnh hưởng bởi khí độc. Quá trình đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo) cho nạn nhân.
Ý kiến bạn đọc