Bệnh dại: Tỷ lệ tử vong tới 99,9%

16:57, 28/09/2014
|

(VnMedia)Nhân ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại (27/9), Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp loại trừ bệnh dại ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

 

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, gây ra do một loại virus hướng thần kinh. Bệnh lây truyền từ các loài động vật hoang dại và vật nuôi tại nhà (chó, mèo) qua vết cắn, cào cấu hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nước dãi từ con bệnh. Triệu chứng điển hình là con vật mắc bệnh mất tri giác, sợ ánh sáng, sợ nước, co giật, liệt hô hấp… Hiện nay, bệnh dại không có thuốc điều trị, người bị dại khi lên cơn dại thì chắc chắn sẽ tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã có 50 người tử vong vì bệnh dại. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong tới 99,9%  nhưng đồng thời có thể dự phòng được 100%. Có thể loại trừ được bệnh dại bằng cách tiêm phòng cho chó và ngăn chặn sự lan truyền của virus dại sang người. Đây cũng là chiến lược dựa trên bằng chứng duy nhất nhằm loại trừ bệnh dại.

Mặc dù số trường hợp tử vong đã giảm một cách đáng kể, tuy nhiên vẫn có 24 tỉnh báo cáo có các ca bệnh dại so với năm trước chỉ có 20 tỉnh, điều này nhấn mạnh sự cần thiết đối với Việt Nam trong việc duy trì nỗ lực của mình để đạt được mục tiêu của ASEAN về Loại trừ Bệnh dại vào năm 2020.  

Để hưởng ứng cách tiếp cận liên ngành “Một Sức Khỏe” của ngành y tế và thú y ở Việt Nam, ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại năm nay có chủ đề là "Cùng nhau phòng chống bệnh Dại". Thông thường, vì sợ bệnh dại mà người dân ghét bỏ chó, nhưng khi chó được tiêm phòng, chúng sẽ ngăn ngừa bệnh dại từ gốc và phòng lây nhiễm và tử vong ở người, góp phần loại trừ bệnh dại.

Mục tiêu loại trừ bệnh dại ở Việt Nam vào năm 2020 đòi hỏi phải có cam kết chính trị nhất quán và bền vững, dựa trên nền tảng vững chắc của các dịch vụ y tế và thú y.

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hợp tác với WHO và FAO thúc đẩy việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó ở các địa phương, nâng cao nhận thức trong các hành động dự phòng và tăng cường cung cấp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm đối với các nạn nhân bị chó cắn.

Cách phòng, chống bệnh dại

Phải kiểm soát súc vật nghi dại, không thả rông chó nuôi. Chó nuôi phải nhốt trong nhà, khi ra đường phải có rọ mõm, dây dẫn. Hiện nay, ở nước ta chó nuôi là nguyên nhân chính gây lây lan bệnh dại nên phải quản lý chặt chẽ.

Tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo từ 3 tháng tuổi trở lên, mỗi năm tiêm một lần.

Tránh tiếp xúc với súc vật lạ, không rõ nguồn gốc, không để bị cắn. Nếu bị cắn, phải tiêm phòng ngay, bắt và theo dõi súc vật nghi dại cắn trong 10 ngày.

 Tiêm vaccine phòng dại cho một số người có nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật như: cán bộ thú y, người chăn nuôi gia súc (chó, mèo...) chuyên nghiệp....
 
Cần tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo từ 3 tháng tuổi trở lên, mỗi năm tiêm một lần

Các đồ vật (vải, dụng cụ riêng...) của bệnh nhân cần đốt huỷ. Các đồ sắt, giường, tủ, sàn nhà... cần lau rửa bằng xà phòng và phun thuốc khử trùng.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc