(VnMedia) - Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 10/9, cháu Nguyễn Tài Trung (6 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do vỡ lá lách, có lúc đã bị giãn đồng tử, chân tay lạnh, mạch và huyết áp không đo được. Rất may các bác sĩ khoa Ngoại bệnh viện đã kịp thời phẫu thuật cắt bỏ một phần lá lách bị vỡ, giúp cháu bé thoát hiểm trong gang tấc.
Được biết, vào 9h30 phút sáng cùng ngày, do đùa nghịch với bạn, cháu Tài bị ngã từ lan can cao khoảng 1,5m xuống đất. Sau ngã cháu bị ngất, rồi lúc tỉnh lúc mê, đau bụng dữ dội, nôn nhiều, bụng chướng. Thấy vậy gia đình lập tức gọi xe cấp cứu đưa cháu vào viện.
Cháu bé đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn được tiếp tục theo dõi
TS Phạm Duy Hiền, phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Các trường hợp vỡ tạng đặc nói chung và vỡ lách nói riêng được tiếp nhận tại Viện những năm gần đây đều được điều trị bảo tồn (không cần phẫu thuật). Tuy nhiên trường hợp của cháu Trung khá đặc biệt.
Sau khi siêu âm và chụp CT scan, các bác sĩ xác định cháu bị vỡ cuống lách, gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng. Bệnh nhi được hồi sức, truyền máu (700ml), truyền dịch (1000ml), tuy nhiên huyết động vẫn không ổn định. Kinh nghiệm cho thấy trường hợp này cần mổ cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng cho trẻ.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ chỉ cắt nửa cực trên của lách và vẫn giữ lại nửa cực dưới. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao, nhất là trong trong điều kiện lách vỡ và máu tụ xung quanh như ở bệnh nhân Trung. Hiện tại, cháu bé đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn được tiếp tục theo dõi.
Lá lách là cơ quan nội tạng nằm ở phần trên-trái của ổ bụng, gần dạ dày, được hệ thống dây chằng gắn vào màng bụng. Lách bao gồm tủy trắng và tủy đỏ, bọc ngoài là lớp vỏ sợi collagen vững chắc. Chức năng chính của nó là sản xuất kháng thể chống các tác nhân gây bệnh và tiêu hủy hồng cầu già hoặc kém chất lượng. Người không có lách gặp khó khăn trong chiến đấu chống một số bệnh nhiễm trùng.
Chấn thương lách có thể xuất hiện khi trẻ bị va đập hay ngã mạnh, khiến lồng ngực trái hoặc phần trên của bụng đập mạnh vào lách. Chấn thương lách có nhiều mức độ, trường hợp nhẹ trẻ chỉ bị bầm dập hoặc rách nhỏ ở lá lách, gây chảy máu; trường hợp nặng lách có thể bị vỡ thành nhiều mảnh, đe dọa đến tính mạng.
Các dấu hiệu chấn thương lách: Đau ở phía trái ổ bụng; Đau ở phía vai trái;Da nhợt nhạt;.Nhìn mờ; Mê sang; Choáng váng; Mạch yếu; Ngất.
Qua trường hợp này, bác sỹ Hiền khuyến cáo, các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo cần chú ý để mắt đến trẻ, dù là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo hay các em học sinh lớn hơn. Cần làm rào chắn, xây lan can với độ cao thích hợp để đảm bảo an toàn cho các cháu. Trong trường hợp trẻ bị té ngã, xuất hiện chấn thương vùng bụng, nôn nhiều, hôn mê hay trẻ tỉnh nhưng sau đó xuất hiện hôn mê, đều cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để siêu âm, kiểm tra, tránh các hậu quả đáng tiếc.
Phần lớn trẻ bị chấn thương lá lách thường đau ở bụng trái và vai trái. Đau nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ chấn thương và lượng máu thất thoát. Trẻ thường thấy đau ở vùng bụng trái, phía dưới khung sườn. Vai trái cũng có thể thấy đau do các dây thần kinh chi phối vai trái và nửa trái của cơ hoành đều bắt nguồn từ cùng một vị trí và có thể bị kích thích khi lách vỡ.
Trẻ bị chấn thương lách nặng nề có thể cảm thấy choáng váng, mê sảng, toàn thân nhợt nhạt, mạch yếu, thậm chí là ngất. Tất cả những dấu hiệu này gợi ý về tình trạng chảy máu bên trong gây hạ huyết áp. Siêu âm và chụp CT giúp xác định chẩn đoán.
Trước kia, trẻ bị chấn thương lách thường được phẫu thuật cắt bỏ lách. Khoảng 30 năm gần đây, các bác sĩ nhận ra rằng hơn 90% trẻ chấn thương lách có thể liền vết thương mà không cần phẫu thuật. Bảo tồn lách giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với các bệnh nhiễm trùng. Đôi khi, nếu trẻ rơi vào tình trạng sốc hay nếu máu không tự ngừng chảy, bác sĩ sẽ phẫu thuật để sửa chữa hay cắt bỏ lách.
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Ý kiến bạn đọc