Việt Nam xuất khẩu vắc xin đầu tiên

07:14, 24/08/2014
|

(VnMedia) - Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, viêm não là bệnh nguy hiểm, có thể khiến người bệnh sốc, tử vong nhanh chóng sau một vài ngày nhiễm bệnh. Trong số các ca viêm não ở trẻ em, có 60% nguyên nhân là virus viêm não Nhật Bản (VNNB).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Bệnh VNNB xảy ra chủ yếu ở trẻ 1-15 tuổi với tỷ lệ tử vong từ 20 đến 30%; 50% còn lại thường để lại di chứng thần kinh nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể dự phòng bằng tiêm vắc xin.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tỷ lệ trẻ bị viêm não do virus VNNB giảm trong các năm qua kể từ khi vắc xin được triển khai tiêm chủng mở rộng cho trẻ 1-5 tuổi tại các địa phương. Hiện Việt Nam đã chủ động được vắc xin VNNB (vắc xin JEVAX) do nguồn sản xuất trong nước dựa trên dây chuyền công nghệ chuyển giao của Nhật Bản.

Vắc xin VNNB JEVAX cũng là vắc xin duy nhất của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu, trước mắt là thị trường Ấn Độ và sẽ có thêm 3-4 thị trường xuất khẩu mới trong năm 2015.

* Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, tuần này có thêm 19 ca viêm não virus, chủ yếu ở miền Bắc. So với cùng kỳ năm ngoái số mắc tăng gần 15%, tử vong nhiều hơn 20 ca. Trong đó, nhiều nhất là Sơn La có đến 18 trường hợp tử vong, sau đó là Hà Nội và Bắc Giang mỗi nơi 4 ca. Các tỉnh có số mắc bệnh cao là Sơn La, TP HCM, Hà Nội, Thái Bình.

     Cùng với đó, số ca mắc viêm não Nhật Bản cũng tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước ghi nhận 203 ca viêm não Nhật Bản tại 39 tỉnh, thành; trong đó 3 trường hợp tử vong tại Sơn La và Hà Nội. Các tỉnh có số mắc cao là Sơn La 36, Hà Nội 22, An Giang 10.

 Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa virus rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18h đến 22h. Hiện nay, bệnh viêm não virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ viêm não Nhật Bản có văcxin phòng bệnh.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc