(VnMedia) - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin từ Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế,tính đến ngày 26/8/2014, tổng số trường hợp mắc và tử vong do virus Ebola tại 4 nước là 3.069 trường hợp, trong đó có 1.552 tử vong.
Cụ thể Guinea (647 ca mắc, 430 tử vong); Liberia (1.378 ca mắc, 694 tử vong); Nigeria (17 ca mắc, 6 tử vong) và Sierra Leone (1026 ca mắc, 422 tử vong). Tỷ lệ tử vong chung là 52%, trong đó tỷ lệ tử vong ở Sierra Leone khoảng 42%, Guinea khoảng 66%.
Trước đó ngày 26/8/2014 Cơ quan đầu mối y tế quốc tế đã thông báo: tại Công Gô ghi nhận 24 trường hợp trong đó có 13 trường hợp tử vong, phù hợp với định nghĩa ca bệnh do vi rút Ebola. Kết quả bước đầu cho thấy có 4 mẫu dương tính với virus Ebola. Hiện đang phải chờ các kết quả xét nghiệm và quá trình giải trình tự gen để khẳng định chắc chắn nguyên nhân gây dịch bệnh.
Số người lây nhiễm đang tăng lên một cách chóng mặt khi chỉ trong vòng 21 ngày, số ca nhiễm bệnh tăng khoảng 40%. Ở một số vùng, số ca lây nhiễm trên thực tế có thể cao gấp đôi tới gấp 4 lần so với số ca được báo cáo.
Bằng cách huy động các nguồn lực từ quốc tế, WHO đang hy vọng có thể ngăn chặn sự lây lan Ebola trong vòng 6 đến 9 tháng tới.
Virus Ebola lây lan trực tiếp qua sự tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân. Nó sẽ gây sốt, tiêu chảy, đau cơ, nôn mửa và có thể gây xuất huyết mắt, tai và mũi. Khoảng 52% số bệnh nhân nhiễm virus Ebola đã tử vong.
Sự lo lắng về căn bệnh cũng như việc không tin tưởng vào các nhân viên y tế trong việc chữa trị đã khiến cho nhiều gia đình có người mắc bệnh đã che giấu bệnh nhân. Điều này khiến cho đại dịch càng khó kiểm soát. Những nước chịu ảnh hưởng của đại dịch lại là những nước nghèo nhất ở châu Phi, với các thiết bị y tế thô sơ và sự thiết hụt các bác sĩ và y tá. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát đại dịch có thể sẽ phải mất một thời gian dài nữa.
Ý kiến bạn đọc