Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Yêu cầu rà soát thiết bị y tế tại các tỉnh

19:39, 08/08/2014
|

(VnMedia) - Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm ngành y tế diễn ra sáng nay (8/8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các tỉnh thanh tra, kiểm tra toàn bộ trang thiết bị y tế. “Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh kiểm tra các ơ sở y tế thuộc Bộ, xử lý nghiêm và đúng bản chất vụ việc”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ngành Y tế phải đặt mình vào vị trí người dân

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nhiều việc trong lĩnh vực y tế đã được triển khai tích cực, đạt kết quả bước đầu.

  Cụ thể, ngành Y tế đã cố gắng xây dựng được một số phác đồ điều trị chuẩn; bắt đầu tiến hành hệ thống hóa, mã hóa các dịch vụ các thiết bị, một số loại thuốc điều trị; ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Một trong những điểm nhấn của ngành Y tế là việc ban hành các thông tư mới quy định về đấu thầu mua thuốc tại BV đã kéo giá thuốc trúng thầu giảm tới 35%.

  Với sự quyết liệt, tập trung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như các địa phương, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng chống dịch bệnh từng bước được nâng cao.

“Nhiều việc ngành Y tế đã làm được tương đối nhưng cũng có những việc mới được nửa chặng đường, chưa đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí làm nhanh hơn, tập trung hơn, để khi hoàn thành thì người dân, xã hội sẽ thấy có những chuyển biến rất tốt”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành Y tế phải đứng từ góc nhìn của người dân để khắc phục những hạn chế mà người dân và chính bản thân ngành Y tế chưa hài lòng

Cũng từ góc độ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải xem xét nghiêm túc các vụ lạm dụng BHYT, lạm dụng kỹ thuật, thuốc biệt dược trong khám chữa bệnh; vụ việc đấu thầu mua thiết bị y tế tại BV Thường Tín (Hà Nội) đã được báo chí phản ánh thời gian qua...

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Những vụ việc như vậy có phổ biến không? Nếu phát hiện những vụ việc như vậy chỉ là cá biệt thì đương nhiên chúng ta phải xử lý nghiêm và đúng bản chất; nhưng nếu không phải chỉ ở một nơi mà ở nhiều nơi thì phải xem xét rất nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân là do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Tại văn bản hay do quá trình chỉ đạo thực hiện? Nếu do văn bản thì cần chấn chỉnh văn bản. Ngành Y tế, cũng như các địa phương phải rà soát, kiểm tra, thanh tra với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công khai, minh bạch tất cả”.

"Những vụ việc báo chí phản ánh về ngành Y tế không nên coi là việc của thiên hạ, việc ở đâu, không phải của mình, phải rà soát lại xem những phản ánh đó có thật hay không, có ở đơn vị mình, địa phương mình hay không”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công luận luôn nhìn nhận, đánh giá đúng thái độ cầu thị, trách nhiệm, lắng nghe của ngành Y tế khi xử lý những vấn đề liên quan đến đời sống của số đông người dân. “Ví dụ vừa rồi chúng ta cho kiểm tra chất lượng các nguồn nước, tôi được biết sau khi Bộ làm nghiêm túc thì các tỉnh cũng làm rất nghiêm túc. Tới đây, chúng ta chọn những việc gì trước hết liên quan đến số đông người dân để tập trung chỉ đạo thực hiện với tinh thần như vậy”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trước mỗi sự việc bức xúc trong xã hội do báo chí phản ánh, dù không xảy ra trên địa phương mình quản lý nhưng lãnh đạo các địa phương cần khẩn trương, nghiêm túc rà soát lại trên địa bàn nhằm chấn chỉnh những sai phạm và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu, từ vụ máy xét nghiệm sinh hóa kém chất lượng tại bệnh viện Thường Tín (Hà Nội), các tỉnh cần thanh tra, kiểm tra công tác đầu thầu, sử dụng trang thiết bị y tế một cách công khai minh bạch và nghiêm túc; đồng thời cần xem xét lại trách nhiệm của chủ đầu tư trong hoạt động này…

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị


Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về cơ chế hạch toán hoạt động trong các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công với tinh thần chuyển dần từ phí sang giá theo đúng cơ chế thị trường, cho phép các đơn vị sự nghiệp công được hạch toán, tiến tới cơ chế tự chủ. Dự kiến, cuối tháng 8/2014, Nghị định này sẽ được ban hành, tạo điều kiện để ngân sách nhà nước tập tung vào các địa chỉ, địa bàn và đối tượng cần thiết, tạo môi trường huy động các nguồn lực xã hội tốt hơn. Bộ cần bàn quyết liệt, chọn một số mô hình làm thí điểm để tổng kết đánh giá hiệu quả cũng như những tác động để đề xuất điều chỉnh các chính sách về y tế.

Bộ cần đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng bộ máy, việc quy hoạch bệnh viện cần tính tới xã hội hóa, có cơ chế để các thành phần trong xã hội tham gia. Trong công tác quy hoạch cần tính tới yếu tố khoa học kỹ thuật, nhân tố mới, tránh quy hoạch theo cách cũ, thông thường.

Trong thời gian tới, các địa phương cần tự rà soát lại tất cả các mặt công tác từ y tế dự phòng, công tác điều trị, xây dựng cơ sở vật chất..., tích cực góp ý kiến định hướng cho hoạt động của ngành trong năm 2015, có kiến nghị phù hợp cho giai đoạn 2016-2020 của đất nước.

Bộ Y tế xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo kết quả thực hiện công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược: Cải cách thể chế; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp (như dịch Ebola, H7N9) và nguy cơ dịch trong nước như tả, sốt rét kháng thuốc còn cao, chất lượng nước ở một số khu vực chưa đạt tiêu chuẩn an toàn..., ngành Y tế tiếp tục chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm.

Trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm, đã phân công rõ trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, giải quyết được vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương.

Công tác khám chữa bệnh được chú trọng với các chỉ tiêu tổng hợp như số giường bệnh, số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số ca phẫu thuật, thủ thuật đều tăng so với cùng kỳ 2013. Ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép nên tại nhiều bệnh viện, tình trạng quá tải về cơ bản đã được giải quyết như tại Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (giảm từ 60-70% số giường phải nằm ghép nay còn 6-7%)…

Cùng với xây dựng đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh kịp thời của người dân, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn trong khám chữa bệnh, ngành đẩy mạnh thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, tăng thêm số bàn khám, nhân lực, cải tiến quy trình thu viện phí và thanh toán bảo hiểm y tế.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; tiêm chủng mở rộng để duy trì tỷ lệ tiêm chủng; công tác phòng, chống bệnh dại; xây dựng và triển khai các hoạt động phòng chống và quản lý được các bệnh không lây nhiễm.

Tại hội nghị, Bộ Y tế đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng; đẩy mạnh thực hiện Quyết định 1313 về quy trình khám bệnh, tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; cải tạo nâng cấp khu vực khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm số lượt khám trong ngày của bác sỹ để từng bước giảm tình trạng quá tải, nằm ghép; tập trung triển khai 15 dự án Bệnh viện vệ tinh của các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản khoa, ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình; tăng cường giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc