Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao

07:23, 07/08/2014
|

(VnMedia) - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, dịch tiêu chảy cấp và viêm não Nhật Bản B đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là đã phát hiện khuẩn tả ở TPHCM. Dịch do virus Ebola có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất cao...  

Đó là những thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa thành phố Hà Nội, TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên diễn ra chiều 6/8.

Bệnh tả có nguy cơ thể lây rất cao

Ông Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh tiêu chảy là một trong những bệnh có số mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam; trong đó bệnh tả là nguyên nhân tiêu chảy quan trọng ở nước ta. Trên thế giới, dịch tả vẫn diễn biến phức tạp, ghi nhận chủ yếu tại khu vực Trung Mỹ, Tây và Trung Phi và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Hiện nay, đã ghi nhận phẩy khuẩn tả trong môi trường nên nguy cơ lây truyền sang người rất cao.

Theo thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 500.000 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy và số mắc thường tăng cao vào những tháng mùa hè với thời tiết nóng ẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân còn hạn chế, thói quen phòng bệnh của người dân chưa cao. Bệnh tiêu chảy thường có số mắc cao ở những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Thanh Hóa (1 trường hợp) và Thành phố Hồ Chí Minh (2 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh tiêu chảy giảm 14,9%.

Mặc dù hiện nay không ghi nhận ổ dịch tả trên phạm vi cả nước, nhưng xuất hiện một số ổ dịch tiêu chảy cấp do Ecoli, nguyên nhân do điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nước sạch. Ổ dịch tiêu chảy ở TPHCM là xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh qua xét nghiệm đã phát hiện 9 mẫu dương tính với Ecoli. Viện Pasteur TPHCM đã tiến hành giám sát và lấy mẫu nước, thực phẩm tại một số nơi xung quanh ổ dịch. Kết quả cho thấy, hầu hết các nguồn nước mà người dân sử dụng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Ảnh minh họa
Virua Ebola. Ảnh minh họa.


Dịch chết người Ebola có nguy cơ vào Việt Nam

Liên quan tới tình hình dịch bệnh do virus Ebola, Cục trưởng Trần Đắc Phu nêu rõ, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có bệnh nhân nhiễm bệnh do virus Ebola với mức độ lây lan rất nhanh, nhất là ở Tây Phi. Tính từ tháng 12/2013, thế giới đã ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 887 trường hợp tử vong tại 4 nước Tây Phi là Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Đáng lo ngại hơn không chỉ có người dân bị mắc bệnh do vi virus nguy hiểm chết người này mà đã có hơn 100 cán bộ y tế cũng đã bị lây nhiễm vi rút Ebola.

Cục Trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Dịch bệnh do vi virus Ebola rất nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh. Dịch bệnh do virus Ebola có thể lây lan thông qua các đối tượng như công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh Việt Nam; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, virusEbola nhưng đây là một dịch bệnh rất nguy hiểm nên không được phép chủ quan. Do đó, chỉ cần phát hiện 1 ca bệnh xác định (có kết quả xét nghiệm dương tính với virut Ebola) đã được coi là một ổ dịch. Đối với những người có tiền sử ở, đi đến từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc động vật nhiễm virus trong vòng 21 ngày mà có các triệu chứng bệnh đều được xác định là ca bệnh nghi ngờ, cần được cách ly, chẩn đoán nhanh và xử lý kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Về bệnh viêm não, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 565 trường hợp viêm não do vi rút tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tỉnh Sơn La có số ca tử vong cao nhất cả nước. Tại Sơn La , từ tháng 6 đến nay, ghi nhận hơn 100 ca mắc hội chứng não-màng não; trong đó có 13 ca tử vong. Qua kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, Bộ Y tế khẳng định, 13 trường hợp tử vong ở Sơn La thời gian qua không phải do viêm não Nhật Bản B mà do hội chứng não cấp hoặc viêm não do vi rút. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến nhấn mạnh: Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, cần tăng cường hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng chống các bệnh như: tả, sốt xuất huyết, viêm não nói chung. Đồng thời, tăng cường vệ sinh môi trường; giám sát các ca bệnh tiêu chảy. Về bệnh do vi rút Ebola, ngành y tế cần tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh đầu tiên; triển khai áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt cung cấp số liệu chính xác về các trường hợp mắc bệnh tránh gây hoang mang cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Kim đề nghị tăng cường tập huấn cho các cán bộ y tế về giám sát dịch, điều tra, báo cáo dịch và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên để có biện pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, thành lập 5 đoàn kiểm tra về các mẫu nước máy, nước giếng và nước đóng chai...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc