(VnMedia) - Theo tin từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), liên tiếp trong các tuần gần đây, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, thậm chí có ngày trung tâm tiếp nhận cùng lúc 3-4 trường hợp bị rắn độc (hổ mang, rắn lục, cạp nong) cắn trong tình trạng nguy kịch.
Hiện tại đang là mùa rắn sinh sản và kiếm mồi nên số lượng bệnh nhân bị rắn cắn vào thời điểm này thường tăng vọt. Ngày cao điểm, có tới 5/15 bệnh nhân vào nội trú là các ca bị rắn độc cắn. Các bệnh nhân nhập viện đến từ nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Sơn La.
Theo các bác sĩ, tùy từng loại rắn và lượng độc bị đưa vào cơ thể mà nọc độc có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân như: Hoại tử cơ, da; liệt chi; rối loạn đông máu gây xuất huyết, chảy máu não các bác sĩ khuyến cáo, nọc độc của rắn gây bỏng rát, phù nề và đặc biệt có thể gây hoại tử dẫn đến hỏng mắt. Nếu gặp trường hợp này, nạn nhân cần nhanh chóng rửa mắt với nước sạch và đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Trong đó có một trường hợp đặc biệt bị rắn cắn vào mắt, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể hỏng mắt hoàn toàn. Đó là bệnh nhân là bé Bàn Quỳnh Giang (4 tuổi, ở Kim Lương, Mộc Châu, Sơn La). Bé Giang bị rắn hổ mang bành vào tận giường cắn khi đang ngủ trưa.
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc nhận định, đây là một ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, vì vị trí rắn cắn là bất thường và hi hữu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị hỏng hoàn toàn đôi mắt, thậm chí còn nguy kịch đến tính mạng.
Để cứu sống cháu bé thành công, các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, cho kháng sinh chống bội nhiễm, truyền dịch và tiêm phòng uốn ván với chi phí điều trị lên đến 50 triệu đồng. Sau 2 ngày điều trị, hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và có thể tự thở, không sốt, tỉnh táo, tay chân cử động được… Mặc dù cháu bé đã qua cơn nguy kịch nhưng bệnh nhân vẫn chưa mở được mắt nên các bác sĩ vẫn chưa thể đánh giá được tác động của nọc độc rắn tới con người của nạn nhân. Trung tâm Chống độc đã mời các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ chuyên khoa mắt để tiến hành hội chẩn liên viện. Tuy nhiên tình trạng của bệnh nhân vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Ảnh minh họa.
Sơ cứu rắn độc cắn
Theo khuyến cáo của các bác sĩ tại Trung tâm chống độc, sau khi bị rắn độc cắn cần sơ cứu ngay, tiến hành trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Các bước sơ cứu:
- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).
Ý kiến bạn đọc