Hà Nội: Khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola

11:34, 09/08/2014
|

(VnMedia)  - Trước những diễn biến bất thường, phức tạp, nguy hiểm bệnh dịch sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra trên thế giới, chiều 8/8, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký công văn hỏa tốc gửi Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch sốt xuất huyết do virus Eblola.

Ảnh minh họa



Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola  đang diễn biến phức tạp tại các nước Tây Phi gồm: Guinea, Nigeria, Sierra Leone, Ghana, Togo. Từ tháng 12/2013 tới 06/8/2014 thế giới đã ghi nhận 1779 trường hợp nhiễm vi rút Ebola trong đó có 961 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây  Phi gồm Guinea (495 mắc/367 tử vong), Liberia (554 mắc/294 tử vong), Nigeria (13 mắc, 2 tử vong), và Sierra Leone (717 mắc, 298 tử vong).

Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo virus Ebola không tồn tại trong không khí mà lây truyền sang người khi tiếp xúc gần với dịch thể của người, động vật nhiễm hay chết do nhiễm virus và “không loại trừ lây qua đường hàng không”. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
 
Đối với Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Tuy nhiên, bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam thông qua khách du lịch, người lao động về từ vùng có dịch hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các vùng dịch. Để chủ động phòng, chống bệnh dịch sốt xuất huyết do virus Ebola, một số quốc gia đã tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu, sân bay. 

Để ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh Ebola, UBND TP giao cho Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola đảm bảo chủ động ứng phó và tham mưu kịp thời cho UBND TP Hà Nội, Bộ Y tế.
 
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế giám sát dịch bệnh với các đối tượng có nguy cơ, phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ các trường hợp khách du lịch, người lao động về từ các vùng có dịch...; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Triển khai việc khai báo y tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch; kiểm soát, chỉ đạo xử lý dịch nhanh trên các chuyến bay.
 
Ngoài ra, yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu, triệu chứng bệnh tại các cơ sở y tế và cộng đồng.... Lưu ý các trường hợp mới trở về Việt Nam từ các vùng bệnh dịch để theo dõi, chẩn đoán và xử trí kịp thời hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Khi có nghi ngờ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh.

Bên cạnh đó, thông tin thường xuyên tình hình, diễn biến dịch bệnh, các ca bệnh cho chính quyền địa phương, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.Tổ chức khoanh vùng, dập tắt dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên, đồng thời có biện pháp phòng, chống cho người dân; hướng dẫn người dân cũng như nhân viên y tế thực hiện vệ sinh các nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh và nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt,…cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. 
 
Chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; củng cố đội thường trực cơ động chống dịch để sẵn sàng đi điều tra, xử lý dịch; chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng hỗ trợ các tuyến khi có yêu cầu...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc