(VnMedia) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 705 bệnh nhân viêm não virus, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 32 trường hợp đã tử vong.
Chăm sóc bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Riêng tuần qua, có thêm 19 ca viêm não vi rút, chủ yếu ở miền Bắc. So với cùng kỳ năm ngoái số mắc tăng gần 15%, tử vong nhiều hơn 20 ca. Trong đó, nhiều nhất là Sơn La có đến 18 trường hợp tử vong, sau đó là Hà Nội và Bắc Giang mỗi nơi 4 ca. Các tỉnh có số mắc bệnh cao là Sơn La, TP.HCM, Hà Nội, Thái Bình.
Cùng với đó, số ca mắc viêm não Nhật Bản cũng tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước ghi nhận 203 ca viêm não Nhật Bản tại 39 tỉnh, thành; trong đó 3 trường hợp tử vong tại Sơn La và Hà Nội. Các tỉnh có số mắc cao là Sơn La 36, Hà Nội 22, An Giang 10.
Theo Cục Y tế dự phòng, đến nay, bệnh viêm não vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ viêm não Nhật Bản có vắc xin phòng bệnh. Viêm não do vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút herpes, vi rút đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng)...
Bệnh viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Lợn và chim là những ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt.
Do triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua xét nghiệm. Người dân cần đi khám khi có các biểu hiện sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc