(VnMedia) - Chiều tối ngày 7/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam.
Bản kế hoạch dự kiến 3 tình huống. Tình huống 1: chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Tình huống 2: xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Tình huống 3: dịch lây lan trong cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng nhận được thông báo ngày 7/8 từ Tổ chức Y tế thế giớ về tình hình mắc mới bệnh do vi rút Ebola: Các trường hợp mắc mới và chết tiếp tục được báo cáo tại 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone). Từ ngày 02-04/8/2014 đã ghi nhận thêm 108 trường hợp mắc mới bao gồm 45 trường hợp tử vong cụ thể tại: Guinea (10 mắc, 5 tử vong), Liberia (48 mắc, 27 tử vong), Nigeria(5 mắc, 0 tử vong), Sierra Leone (45 mắc, 13 tử vong).
Tính đến ngày 4/8/2014 thế giới đã ghi nhận 1711 trường hợp nhiễm vi rút Ebola trong đó có 932 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi gồm Guinea (495 mắc/363 tử vong), Liberia (516 mắc/282 tử vong), Nigeria(9 mắc, 1 tử vong), và Sierra Leone (691 mắc, 286 tử vong). Đặc biệt đã ghi nhận trên 100 cán bộ y tế đã lây nhiễm vi rút Ebola.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện chúng ta ở tình huống 1, công tác phòng chống dịch chú trọng vào giám sát, dự phòng, trong đó tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào VN, áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh; nâng cấp các phòng xét nghiệm để chẩn đoán xác định vi rút Ebola tại các Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP.HCM.
Trong các tình huống tiếp theo, khi có ca bệnh và khi bệnh lây lan trong cộng đồng, các công việc cần triển khai là khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thiết lập khu vực cách ly riêng để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, y tế tuyến xã cũng tham gia giám sát các trường hợp điều trị tại nhà. Cùng với nhân viên y tế, lực lượng chống dịch sẽ được huy động là cán bộ phụ nữ, đoàn viên thanh niên.
Ảnh minh họa.
Tạm dừng đưa du khách sang vùng dịch Ebola
Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách sang du lịch các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola. Đây là chỉ đạo của Tổng cục Du lịch tại Công văn khẩn số 800/TCDL-LH về việc phòng chống dịch bệnh Ebola, đảm bảo an toàn cho khách du lịch gửi Sở VHTTDL các tỉnh thành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và các khách sạn 3-5 sao.
Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường quan tâm đến sức khỏe của du khách, thông tin đầy đủ cho khách du lịch về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Điều đáng lưu ý, khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương để phòng chống dịch bệnh cho khách du lịch, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng về những dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh.
Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh Ebola: sốt cao đột ngột và kéo dài, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, đau họng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy cấp, phát ban, trong một số trường hợp có biểu hiện chảy máu cam, nôn hoặc đi ngoài ra máu hoặc không đến từ nguyên nhân nào.
Biện pháp phòng bệnh: tránh tiếp xúc với người bị bệnh Ebola, máu, dịch tiết của người bệnh, động vật nhiễm bệnh, vật dụng có khả năng nhiễm vi rút. Khi cần tiếp xúc phải sử dụng trang bị phòng hộ cá nhân. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau chùi nền nhà, vật dụng, cầu thang… bằng Cloramin B hoặc hóa chất sát khuẩn thông thường.
Ý kiến bạn đọc