Ba kịch bản đối phó với Ebola

09:53, 07/08/2014
|

(VnMedia)  - Ngày 6/8, Bộ Y tế đã khẩn cấp ban hành Quyết định về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola (EVD), yêu cầu tăng cường kiểm dịch y tế biên giới.

Ảnh minh họa

Kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay. Ảnh minh họa.

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh EVD xuất hiện tại châu Phi từ năm 1976 với hơn 600 người mắc, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Sau đó các ca mắc chỉ rải rác với số mắc nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay dịch EDV đang phát triển rất nhanh, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là lớn nhất, phức tạp nhất và khó khăn nhất từ trước tới nay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đại dịch Ebola tại vùng Tây Phi tới nay đã làm 932 người tử vong và số ca nhiễm bệnh đã lên tới 1.711 người. Trong thông báo cập nhật mới nhất công bố ngày 6/8, WHO cho biết chỉ trong hai ngày 2 và 3/8, đã có thêm 108 trường hợp nhiễm mới và 45 ca tử vong tại các nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leon.

Trong số 45 ca tử vong mới, có 27 nạn nhân ở Liberia, 13 người ở Sierra Leon và 5 người ở Guinea. Mặc dù chỉ có 10 trường hợp nhiễm mới song Guinea vẫn là nơi có tỷ lệ tử vong do Ebola cao nhất. Tính đến nay, quốc gia này đã có 495 người nhiễm bệnh và 363 trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, do tính chất nguy hiểm, lại lây lan rất nhanh nên dịch bệnh Ebola từ các nước châu Phi có nguy cơ thâm nhập vào Việt Nam rất cao. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị nên cần chủ động phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh này”. 

Theo ông Phu, dịch Ebola có nhiều nguy cơ lan truyền đến Việt Nam thông qua những người đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch hoặc công dân các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Ông Phu cho biết Bộ Y tế vừa đưa ra ba tình huống giả định để chủ động giám sát và phòng, chống dịch Ebola vào Việt Nam.

Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam, phải giám sát chặt tại cửa khẩu và cộng đồng. Tại cửa khẩu, sử dụng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ. Tại cộng đồng, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola hoặc có tiền sử đến từ vùng có dịch bệnh.

Tình huống 2: Xác định ca bệnh thâm nhập vào Việt Nam thì nhanh chóng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp thuộc diện giám sát. Bên cạnh đó, theo dõi sức khỏe của tất cả người có tiếp xúc trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Tình huống 3: Dịch Ebola lây lan trong cộng đồng, đối với ổ dịch đã được xác định thì giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên. “Tất cả trường hợp tử vong do nghi ngờ mắc Ebola phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm” - ông Phu nhấn mạnh.

Do vậy, việc cấp thiết Việt Nam cần làm hiện nay là tăng cường kiểm dịch y tế biên giới nhằm kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thì mới ngăn chặn được EVD vào Việt Nam và bùng phát ra cộng đồng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc