(VnMedia) - Tại cuộc họp báo chiều 9/7, đại diện Bộ Y tế đã trả lời những thắc mắc của báo chí đặt ra, liên quan đến việc khan hiếm vắcxin 5 trong 1 và 6 trong 1, những loại vắcxin có thể phòng một lúc nhiều bệnh chỉ trong 1 mũi tiêm.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay đang diễn ra tình trạng thiếu 2 loại vắcxin này ở nhiều nước do nhu cầu tăng đột biến, trong khi đó các nhà sản xuất không đủ vắcxin để cung cấp.
Bộ Y tế đang nhập khẩu các loại vắcxin theo nhu cầu của người dân, cụ thể: đến đầu tháng 8 sẽ có lô hàng vắcxin 5 trong 1 tiếp theo về Việt Nam và đến đầu tháng 9 là vắcxin 6 trong 1. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, có thể cho con em tiêm vắcxin 3 trong 1 và viêm gan B của Việt Nam để thay thế.
Bộ Y tế cũng khẳng định, vắcxin viêm não Nhật Bản hiện đã được chuyển về các địa phương. Một số điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội có hiện tượng thiếu vắcxin viêm não Nhật Bản là do người dân muốn tiêm vắcxin dịch vụ nhập ngoại trong khi Việt Nam đã tự sản xuất được loại vắcxin này. Vắcxin thủy đậu cũng đã được nhập về nhưng đang trong quá trình kiểm nghiệm.
Thiếu vắcxin do nhà sản xuất không đáp ứng đủ?
Giải thích về tình trạng khan hiếm vắcxin, ông Nguyễn Tất Đạt, Cục phó Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: “Thời gian gần đây, vắcxin dịch vụ khan hiếm là do nhu cầu người dân tăng đột biến, mặc dù các đơn đặt hàng có nhiều nhưng đơn vị sản xuất không cung ứng đủ”.
Ví dụ, tại TP.HCM, Công ty cổ phần dược mỹ phẩm May (Công ty phân phối vắcxin dịch vụ 5 trong 1 ở phía Nam) ngày 23/6 vừa qua đã nhập 15.000 liều, đến hôm nay (9/7) đã tiêu thụ gần 14.880 liều. Dự kiến, ngày 7/8, Công ty mới nhập được thêm 12.000 liều.
Ở miền Bắc, ngày 12/6, Công ty TNHH thương mại Hồng Thúy cũng đã nhập 18.590 liều, đến 4/7 đã tiêu thụ 11.180 liều. Dự kiến, phải đến ngày 20/7 tới, Công ty mới tiếp tục nhập thêm 10.000 liều nữa.
Ông Đạt cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã có công văn chấn chỉnh tiêm chủng và giao các sở y tế, các điểm tiêm chủng đặt kế hoạch, dự trù. Người dân phải chủ động cho con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Tại buổi họp báo, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, Bộ sẽ đề xuất đưa nhiều loại vắc-xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, tiêm vắc xin dịch vụ chủ yêu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các địa phương khác , người dân chủ yếu tiêm các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sau khi có sự cố liên quan đến vắc-xin Quinvaxem, hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin Quinvaxem và sởi đã tăng, nhiều phụ huynh đã chú ý cho con đi tiêm.
Ông Phu khuyến cáo: “Các phụ huynh không nên bỏ các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cần tiêm đầy đủ, phải coi các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng là căn bản nhất”.
Ý kiến bạn đọc