(VnMedia) - Bộ Y tế cho biết đang có chủ trương thành lập phòng bảo hiểm y tế tại các Sở Y tế và mỗi bệnh viện sẽ có một cán bộ chuyên trách bảo hiểm y tế để thực hiện tốt hơn việc cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người bệnh.
Để thúc đẩy tiến trình mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đạt được mục tiêu chung hướng đến năm 2015 có trên 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế, năm 2020 là 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, ngành y tế sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế, phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình thực hiện để tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, việc thực hiện bảo hiểm y tế phải tăng phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Gia lai) |
Bộ Y tế cũng cho biết, sau hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phát triển nhanh chóng qua các năm. Cụ thể tăng từ 60% năm 2010 lên 65% năm 2011 và đến năm 2013 có trên 61 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đưa diện bao phủ bảo hiểm y tế lên gần 70% dân số cả nước tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế bền vững, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Trong năm 2013, đã có hơn 500.000 người trong tổng số trên 765.000 người cận nghèo trên cả nước có nhu cầu được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế từ dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ từ 2011 đến 2015, chiếm tỉ lệ trên 65%. Dự kiến đến năm 2015, sẽ có 84% người cận nghèo được dự án hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Nhằm tăng cường khám chữa bệnh cho người dân bảo hiểm y tế, 424 cơ sở y tế ngoài công lập và 9500 trạm y tế tuyến xã và tương đương đã tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm trên 86% số trạm y tế xã trên toàn quốc.
Năm 2013, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho trên 131 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số chi trên 42.000 tỷ đồng, trong đó có hàng chục triệu người nghèo, người có công với nước, người mắc bệnh hiểm nghèo.
Ý kiến bạn đọc