(VnMedia) - Hiện nay không có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virus, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chung cho bệnh viêm não virus.
Viêm não virus là một quá trình bệnh lý viêm xảy ra ở tổ chức nhu mô não, do nhiều loại virus có ái lực với tế bào thần kinh gây ra. Đặc điểm lâm sàng đa dạng, nhưng chủ yếu là hội chứng não cấp gây rối loạn ý thức với nhiều mức độ khác nhau.
Ảnh minh họa.
Đối với các virus gây bệnh lây qua côn trùng tiết túc như muỗi, ve … đốt, người dân cần:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.
Đối với các virus đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện vệ sinh ăn chín, uống chín.
Đối với các chủng virus gây bệnh lây qua đường hô hấp, thực hiện tốt việc cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:
- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Những rối loạn về tâm - thần kinh
Thường rất đa dạng với những rối loạn chính sau:
Thay đổi về ý thức: Tuỳ theo mức độ bệnh, có thể gặp lơ mơ, ngủ lịm, bán hôn mê và hôn mê.
Rối loạn tâm thần: Mê sảng, mất định hướng, ảo giác, loạn thần, rối loạn cử chỉ và nhân cách...
Có cơn co giật kiểu động kinh: Thường gặp ở 50% số bệnh nhân nặng, có thể co giật cục bộ hoặc toàn thân.
Tổn thương thần kinh khu trú: Mất vận động ngôn ngữ, thất điều, bại hoặc liệt nhẹ, tăng phản xạ gân xương, xuất hiện phản xạ bệnh lý bó tháp rung giật cơ, liệt các dây thần kinh vận nhãn, dây VII...
Các triệu chứng do tổn thương trục dưới đồi - tuyến yên (rối loạn thần kinh thực vật) như: Rối loạn điều hoà thân nhiệt, tăng tiết mồ hôi, đái tháo nhạt...
Ý kiến bạn đọc