(VnMedia) - Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại buổi lễ mít tinh Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7) do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội.
Gần 70% dân số cả nước tham gia bảo hiểm y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau hơn 20 năm tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là từ khi Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), chính sách BHYT ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Sau hơn 20 năm tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là từ khi Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chính sách BHYT ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Số đối tượng tham gia BHYT phát triển nhanh chóng qua các năm. Cụ thể, tăng từ 60% năm 2010 lên 65% năm 2011 và đến năm 2013 có trên 61 triệu người tham gia BHYT, đưa diện bao phủ BHYT lên gần 70% dân số cả nước tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân. Năm 2013, quỹ BHYT đã chi trả cho trên 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số chi trên 42.000 tỷ đồng, trong đó có hàng chục triệu người nghèo, người có công với nước, người mắc bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, ý thức tự giác tham gia BHYT của một bộ phận người dân chưa cao, tính thuân thủ pháp luật về BHYT tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân còn thấp; còn nhiều đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động. Quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược khi tham gia BHYT. Cơ chế quản lý thuốc chữa bệnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn; việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn phân tán, khó kiểm soát. Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở khám chữa bệnh có hiểu hiện rõ nét về việc trục lợi quỹ BHYT.
Giảm dần chi phí mà người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ mít tinh
Việc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.
Với chủ đề hành động của năm 2014 là “Thúc đẩy tiến trình mở rộng bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, nghiên cứu, lựa chọn các phương thức thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp; phối hợp với các bộ, ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện; tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, tăng cường hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh và giảm dần chi phí mà người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Hiện, Bộ Y tế cũng đang có chủ trương thành lập phòng BHYT tại các Sở Y tế và mỗi bệnh viện sẽ có một cán bộ chuyên trách BHYT để thực hiện tốt hơn việc cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi toàn xã hội tích cực tham gia để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020” với mục tiêu chung hướng đến năm 2015 đạt trên 75% dân số tham gia BHYT, năm 2020 là 80% dân số tham gia BHYT, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
So với Luật Bảo hiểm y tế hiện hành (năm 2008), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế có một số quan điểm quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Luật có những điểm mới như quy định bắt buộc tham gia BHYT; khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT và quy định cụ thể về việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT...
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi toàn xã hội tích cực tham gia để thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà bảo tâm hỗ trợ 30% kinh phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo và những hộ diêm dân, nông dân khó khăn cũng như những đối tượng khó khăn khác mà Nhà nước chưa kịp giúp đỡ.
Ý kiến bạn đọc