Mùa hè: Dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát lớn

07:37, 30/05/2014
|

(VnMedia) -  Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc nhận định dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng mùa Hè. Vì vậy, nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nguy cơ dịch sẽ bùng phát là rất lớn.

Thông báo về tình hình dịch sởi, ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2014 đến ngày 27/5, cả nước ghi nhận 4.857 trường hợp mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi. Trong đó, 11% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, 87% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, 9% đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi và 4% tiêm 2 mũi vắc xin sởi.

Số ca tử vong do sởi và liên quan đến sởi bắt đầu gia tăng từ  cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2014. Đến nay, đã có 145 trường hợp tử vong do sởi và liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.

Đánh giá về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, theo ông Bắc, tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Trong khi đó, 2 bệnh nêu trên hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có 24.730 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62/63 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu. Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn tập trung tại một số tỉnh khu vực phía Nam chiếm 78,5% trên tổng số các trường hợp mắc bệnh trong cả nước.

Cả nước cũng đã có 9.413 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 42/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên và đã có 6 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, các địa phương vẫn phải theo dõi chặt chẽ không để bùng phát thành dịch một số bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết; không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam nhất là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (Mers-CoV), cúm A, virus bại liệt hoang dại...

Ảnh minh họa



Chủ động phòng chống dịch

Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2014, Bộ Y tế đã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Để chủ động đối phó và sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác điều trị phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh dịch mới nổi năm 2014, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm mắc, biến chứng và quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối.

Lực lượng y tế tập trung vào việc rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về sơ sở vật chất, thuốc, vật tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng công tác điều trị; kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh đồng thời cập nhập, chuẩn hóa các hướng dẫn và điều trị bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A, Mers-CoV và một số bệnh dịch nguy hiểm mới nổi khác...

Bộ Y tế cũng giao một số bệnh viện tuyến trên nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh về phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết

Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch cho người dân, cán bộ y tế và cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình dịch bệnh để báo chí thực hiện truyền thông tới cộng đồng./.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc