Mỗi năm bảo hiểm xã hội thất thu 80.000 tỷ đồng

19:03, 28/05/2014
|

(VnMedia)  - Sáng 28/5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội: nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách”.

Tham dự tọa đàm có Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Trần Đình Liệu, trưởng ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng ban Tài chính kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi. Đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu. 

 Ảnh minh họa

Tọa đàm “Bảo hiểm xã hội: nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách” sáng ngày 28/5.



Mỗi năm bảo hiểm thất thu BHXH 80.000 tỷ đồng


Hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trốn đóng, nợ đóng (bảo hiểm xã hội) BHXH diễn ra khá phức tạp, có nhiều doanh nghiệp thành lập, sử dụng lao động nhưng trốn đóng hoặc khi trích khoản đóng của người lao động lại kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

 

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác nhận, hiện có tình trạng nợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện tính đến hết tháng 3/2014 lên đến 11 nghìn tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH trên 7,4 nghìn tỷ đồng; nợ BHTN trên 0,5 nghìn tỷ đồng và nợ BHYT trên 3,1 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH như thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ BHXH...

 

Về việc thu, nộp bảo hiểm xã hội, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Tình trạng vi phạm pháp luật như: Trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá phức tạp. Hiện, có trên 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng trên thực tế có khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, 50% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không tham gia BHXH.


Ông Liệu cũng cho biết cả nước có khoảng 16 triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn trên 5 triệu người chưa được tham gia, tương ứng với số thu khoảng 56.000 tỷ/năm.
Bên cạnh đó, mỗi năm cơ quan BHXH thất thu khoảng 24.000 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa tiền lương đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động. Hiện nay, khối DN ngoài nhà nước đóng BHXH ở mức 2,8 triệu đồng/tháng nhưng thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng/người. Như vậy, tổng số tiền thất thu hàng năm của BHXH lên đến 80.000 tỷ đồng.

 

Bất cập dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH

 

Đề cập đến chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, ông Trần Đình Liệu cho biết: sau 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;


Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động;
Một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập; Hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội chưa bảo tồn được giá trị của quỹ.


Bên cạnh đó, quy định về chi phí quản lý của tổ chức bảo hiểm xã hội còn chưa phù hợp; 
Quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa thật thuận tiện, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội còn hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thống kê, điều hành, giám sát chưa có sự liên thông trong hệ thống từ đó dẫn tới những khó khăn trong đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội;


Luật Bảo hiểm xã hội chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Ông Liệu cũng nêu, q
uỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

 

Tăng quyền thanh, kiểm tra cho Bảo hiểm xã hội

 

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội có khoảng 500 cán bộ thành tra, ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra thực hiện chức năng thanh tra trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thanh tra về bảo hiểm xã hội chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

 

Hàng năm, các ngành đều đã chủ động hoặc phối hợp với Ngành BHXH để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được tiến hành thanh tra rất ít, chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT.

 

Những năm gần đây, công tác kiểm tra của tổ chức BHXH đã được tăng cường, từng bước đi vào nề nếp và trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý của ngành. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 20.500 cán bộ (trong đó có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra) thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thu, nộp BHXH, BHYT đối với các đơn vị ít nhất 1 năm/1lần.

Thực tiễn các năm vừa qua, cơ quan BHXH các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về BHXH nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm chưa được xử lý ngay mà kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Mặt khác, khi nhận được kiến nghị xử phạt của BHXH Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa xử lý được ngay do phải nghiên cứu, xác minh thêm làm cho vi phạm chậm được xử lý hoặc chưa được xử lý. Đến nay, đã đề nghị xử phạt hành chính khoảng 6.000 đơn vị và có khoảng 900 đơn vị bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về BHXH, BHYT, đạt tỷ lệ khoảng 15%.

 

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đề nghị, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần sửa theo hướng nâng mức lãi phạt chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng; tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm xã hội có quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn… Đặc biệt, có ý kiến đề nghị trao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng Bảo hiểm xã hội. Bởi Bảo hiểm xã hội là cơ quan trực tiếp tiếp cận với việc thu, chi nên sẽ nắm sát tình hình đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới nhằm ngăn chặn hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong vấn đề này; giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến chi phí quản lý bảo hiểm xã hội hiện nay; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay…


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc