Khoảng 5,3 triệu người Việt mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh

06:29, 09/05/2014
|

(VnMedia)Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) rất cao, đặc biệt, gen bệnh này tập trung nhiều nhất ở các dân tộc miền núi. Hiện nay, theo ước tính chưa đầy đủ, trên toàn quốc có khoảng 5,3 triệu người mang gen bệnh thalassemia.

Ảnh minh họa

Khám cho bệnh nhân thiếu máu bẩm sinh.Ảnh minh họa.


Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam đã cho biết như vậy tại buổi lễ míttinh hưởng ứng Ngày thalassemia thế giới, do Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 8/5, tại Hà Nội.

Nước ta được coi là khu vực có nguy cơ cao với khoảng hơn 5,3 triệu người mang gen bệnh này, trong đó thường xuyên có khoảng hơn 20.000 bệnh nhân nặng cần điều trị nội trú tại các bệnh viện. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh.

Cũng theo GS Trí, gen bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta thường gặp nhiều nhất ở các dân tộc miền núi. Tại Hà Nội, có khoảng 3-4% người mang gen bệnh.

GS Trí ví, bệnh tan máu bẩm sinh như quả bom nguyên tử đã phát nổ, nhưng rất tiếc chúng ta không nghe được tiếng nổ đó. Và hiện, bệnh này đang len lỏi khắp các dân tộc trên đất nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi của cả một dân tộc.

Dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh tan máu bẩm sinh đó là thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt; da vàng, sau đó đen dần và thâm; gan to lên; cơ thể bắt đầu méo mó; chân, tay khèo…

TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho hay, ước tính chi phí điều trị cho một bệnh nhân thalassemia thể nặng đến năm 30 tuổi là khoảng 3 tỷ đồng. Những người mắc bệnh vừa tốn kém chi phí cho điều trị lại bị giảm khả năng lao động và sinh hoạt. Vì vậy, theo tiến sỹ Hồng, hơn lúc nào hết, công tác quản lý bệnh nhân và phòng bệnh đang là vấn đề cấp thiết đối với toàn xã hội, nhằm giảm tỷ lệ sinh ra những trẻ mang gen và mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Theo các chuyên gia về huyết học và truyền máu, nếu không thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa và giảm thiểu bệnh thalassemia thì chất lượng dân số sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với những người mắc bệnh thalassemia là họ phải chữa trị cả đời với chi phí rất lớn. 

Bệnh tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền qua gen làm hồng cầu vỡ. Người bệnh liên tục bị thiếu máu, do đó, cả đời phải truyền máu vì hồng cầu chỉ sống được một thời gian ngắn.

Khi hồng cầu vỡ tạo ra ứ sắt và tích tụ ở toàn bộ cơ thể. Từ đó làm tổn thương đến các bộ phận khác của cơ thể bị như: thận, tuyến giáp, các tuyến nội tiết, bộ xương…khiến bệnh nhân còi cọc, xương dễ gãy, méo mó, mũi  tẹt, mặt to, chân, tay bị khèo… Nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ bị suy tim, suy gan, chậm phát triển về thể chất, không có khả năng sinh con…

Theo các chuyên gia y tế, không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tan máu bẩm sinh vì đây là một bệnh mang gen di truyền. Khi bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh nhân sẽ phải điều trị suốt đời.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc