(VnMedia) - Để kiểm soát vấn đề ngộ độc thực phẩm và chủ động có các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngộc độc thực phẩm,
Theo đó, tổ chức thực hiện điều tra ngộ độc thực phẩm theo Quyết định số 39/2006/QĐ – BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm xác định rõ cơ sở nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên trong vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định. Công khai kết luận điều tra ngộ độc thực phẩm để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch ăn uống, nhà hàng, khách sạn… theo Thông tư số 30/2012/TT - BYT ngày 5/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè
- Lựa chọn thực phẩm tươi, mặt ngoài khô bóng, khối thịt rắn chắc, khi ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.
- Khi đi mua thực phẩm nên chọn mua thịt súc vật, gia cầm, thuỷ sản tươi sống và đựng riêng từng loại vào các túi khác nhau, để cách ly với các thực phẩm khác.
- Rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống, sau khi đi vệ sinh hoặc làm việc khác gây bẩn tay. Rửa sạch dụng cụ, các bề mặt tiếp xúc sau khi chế biến thực phẩm tươi sống với nước xà phòng chuyên dùng rửa dụng cụ ăn uống, rửa kĩ lại bằng nước sạch ...
- Thực phẩm tươi sống phải được nấu chín. Không ăn tiết canh, thịt tái, cá gỏi, trứng chưa nấu chín. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín xong, không sử dụng các loại thực phẩm đã chế biến sẵn đóng gói không có địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng, đã hết hạn sử dụng, bao bì bằng chất liệu không đảm bảo vệ sinh hoặc rách, thủng, các loại đồ hộp đã phồng, méo, hoen rỉ..
- Rửa sạch rau quả dưới vòi nước trước khi sử dụng. Nếu nguồn nước sử dụng cho ăn uống có nghi ngờ bị ô nhiễm thì phải báo ngay với cơ quan y tế gần nhất để có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu thực phẩm có màu sắc, hình dáng, mùi vị nghi ngờ không đảm bảo an toàn thì không nên sử dụng...
Ý kiến bạn đọc