(VnMedia) - Một bé trai 5 tuổi được đưa đến Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu do có một miếng thạch to còn nguyên hình dáng, nằm chặn cổ họng.
Các bác sĩ cho biết, hôm 8/5, bé trai 5 tuổi này được người nhà và cô giáo đưa từ trường mầm non đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tim rời rạc, không thở.
Sau khi các bác sĩ tiến hành bóp bóng cấp cứu cho bệnh nhi thì khí không vào phổi, không thấy lồng ngực di động. Khi đặt nội khí quản, bác sĩ phát hiện một miếng thạch nằm chắn ngang cổ họng bé và đã lấy được miếng thạch ra. Miếng thạch gần như còn nguyên vẹn.
Miếng thạch được lấy ra từ cổ họng bé trai 5 tuổi. Ảnh: BS cung cấp. |
Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hóc thạch là hóc dị vật đáng sợ và nguy hiểm nhất, bởi miếng thạch mềm nên khi trôi xuống đường thở nó dễ dàng thay đổi hình dáng, ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu oxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, dễ nát ra vụn. Đó là lý do hầu hết các ca hóc thạch đều tử vong.
Đa số các trường hợp hóc dị vật nói chung, hóc thạch nói riêng, bệnh nhân đều đã ngừng thở trước khi được đưa đến viện. Ngay cả khi trẻ ở gần bệnh viện thì thời gian đưa được tới viện cũng đã quá muộn bởi chỉ thiếu oxy não từ 5 - 10 phút là đã ảnh hưởng não bộ.
Có những ca bệnh, dù được đặt nội khí quản, các bác sĩ cũng gắp được miếng thạch chen ngang đường thở của bé nhưng cũng không thể trả lại cuộc sống bình thường cho bé. Vì thiếu ôxy quá lâu, mất não nên em bé phải sống thực vật suốt đời, trí tuệ kém phát triển.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, tốt nhất không nên cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi ăn thạch. Nếu cho con ăn, phụ huynh cần lưu ý không cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ trước khi cho trẻ ăn.
Ý kiến bạn đọc