(VnMedia) - Ngày 3/4, tại cuộc họp giao ban về công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, các cơ quan chức năng đã khẳng định thông tin đăng tải trên báo chí về việc thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng là chưa đầy đủ và không chính xác.
Ảnh minh họa.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết: Ngay khi có thông tin về thủy sản nhiễm kim loại nặng, Cục đã cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội và Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế làm việc với nơi xuất phát thông tin.
Kết quả kiểm tra cho thấy, thông tin báo chí đưa bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu của Bộ Y tế được Đại học Y thực hiện với nội dung chính là nghiên cứu mức độ ô nhiễm của môi trường nước một số sông hồ trên địa bàn Hà Nội.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã lấy 240 mẫu động vật thủy sinh tự nhiên (tôm, cá, cua, nghêu, ốc) tại một số ao hồ khu vực Văn Điển, sông Tô Lịch, hồ Tây để phân tích chỉ tiêu kim loại nặng để đánh giá mức độ ô nhiễm của môi trường nước.Kết quả phân tích phát hiện dư lượng kim loại nặng trong nhiều mẫu thuỷ sản tự nhiên nhưng chỉ một số ít trường hợp vượt mức dư lượng tối đa cho phép, có thể gây mất an toàn thực phẩm cho người sử dụng, trong đó có 5 mẫu cua.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội thực hiện trong những năm 2011-2013 đối với thủy sản thương phẩm thì rất ít vượt giới hạn nhiễm kim loại cho phép. Cụ thể, trong tổng số 559 mẫu đã lấy phân tích chỉ tiêu kim loại nặng chỉ phát hiện 7 mẫu (chiếm 1,2%) có hàm lượng vượt giới hạn cho phép.
Như vậy, thông tin đăng tải trên báo chí sau khi trích dẫn nội dung nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội là chưa đầy đủ, không chính xác, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế chia sẻ: Theo quy định quản lý về an toàn thực phẩm, chỉ có cơ quan quản lý mới là người phát ngôn cuối cùng về vấn đề an toàn thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia vào công tác giám sát về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng để đánh giá thì phải có cái nhìn tổng thể trên các báo cáo chung.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, mức độ vi phạm an toàn thực phẩm trong tháng 3/2014 gia tăng hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2013.
Đặc biệt, trong tháng 3/2014, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP lần đầu cho 5 cơ sở sản xuất thủy sản xuất khẩu, trong đó, có 1 cơ sở không đạt yêu cầu.
Do đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản dự kiến sẽ trình Bộ NN&PTNT phê duyệt chương trình thí điểm việc công khai kết quả xếp loại A, B, C tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và thí điểm cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
Ý kiến bạn đọc