Nhiều người Việt bị rối loạn tâm thần mà không biết

14:16, 14/04/2014
|

(VnMedia)  - Tại Việt Nam, hiện có khoảng 14,9% dân số có các rối loạn tâm thần. Các rối loạn tâm thần phố biến là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí, chậm phát triển tâm thần, nghiện rượu, ma túy, rối loạn hành vi thanh thiếu niên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Mạng lưới nghiên cứu-đào tạo quốc tế châu Á-Thái Bình Dương” về sức khỏe tâm thần diễn ra trong hai ngày 14 và15/4 tại Hà Nội. Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, việc thiếu hụt nghiêm trọng các nghiên cứu khoa học, thông tin về sức khỏe tâm thần là rào cản trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, luật pháp, kế hoạch sức khỏe tâm thần. Để việc xây dựng chính sách, luật pháp, lập kế hoạch về sức khỏe tâm thần phù hợp, khả thi, đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch hoạt động toàn cầu về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013-2020, việc tăng cường triển khai các nghiên cứu và cung cấp bằng chứng về sức khỏe tâm thần là rất cần thiết.

Do đó, việc phòng, tăng cường sức khỏe tâm thần là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, cũng như sự quan tâm, phối hợp, và ủng hộ hơn nữa của tất cả các chính phủ, các tổ chức trong nước, quốc tế.

Theo khuyến cáo của  Tổ chức Y tế Thế giới, các quốc gia xây dựng, củng cố, cập nhật và thực hiện các chính sách, chiến lược, chương trình, luật pháp và các quy định về sức khỏe tâm thần trong tất cả các bộ, ngành liên quan; lập kế hoạch nguồn lực; hợp tác giữa các bên liên quan: bao gồm hợp tác liên ngành, huy động sự tham gia của người bệnh, gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng và thực thi chính sách, luật pháp, dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần...
 
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng lại phấn đấu mỗi tỉnh có một bệnh viện tâm thần, và bệnh viện lại là điều trị. Theo bà Phương, lối sống, làm việc ảnh hưởng đến tâm lý rất lớn, do đó chúng ta cần chú trọng đến phòng ngừa chứ nếu để đến khi bị tâm thần nặng đưa đi điều trị là đã muộn rồi”.

Biểu hiện của rối loạn tâm thần

Để chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt, điều quan trọng là phải dự phòng được bệnh tật, phát hiện và điều trị sớm các rối loạn để phòng các biến chứng, đồng thời phục hồi chức năng cho bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh lý tâm thần tương đối kín đáo. Ngoài rối loạn ăn uống, rối loạn tâm thần ở giai đoạn sớm còn có các biểu hiện:

Rối loạn giấc ngủ
:
Thay đổi so với những biểu hiện bình thường của chính họ trước đây, như khó khăn khi đi vào giấc ngủ, trằn trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ. Bệnh nhân có thể mất ngủ kéo dài hàng tuần, hàng tháng, một số không thể duy trì giấc ngủ và thường thức trắng cả đêm. Một số bệnh nhân rối loạn chu kỳ thức ngủ: ngày ngủ, đêm thức.

Thay đổi tính cách: Bệnh nhân thay đổi tính cách so với trước kia như dễ cáu giận hơn, giận dữ vô cớ, thậm chí kích động đập phá, đánh người vô cớ. Đặc biệt, có thể có sự thay đổi tình cảm, thái độ với người thân: xa lánh, thù ghét bố mẹ, anh em... cho rằng anh em, bố mẹ không tốt, hại mình.

Thay đổi sinh hoạt hàng ngày: Người bệnh trở nên lười biếng hơn, ít hoặc ngại giao tiếp, không quan tâm đến người thân, bỏ bê công việc, mất hoặc không duy trì các thói quen, sở thích trước kia, không chăm sóc vệ sinh cá nhân.

Thay đổi cách nghĩ: Bệnh nhân trở nên đa nghi hơn, hay nghi ngờ cả với người thân, thường có hành vi theo dõi, kiểm tra... hoặc có những ý nghĩ không đúng, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Thay đổi tính cách: Một số trở nên trầm, ít nói hơn hoặc nói một mình như đang đối thoại với người khác. Có người lơ đễnh, không tham gia được câu chuyện với người khác, nói những câu vô nghĩa, không có nội dung, các chữ, câu không liên quan với nhau, hoặc nói không ăn khớp với hoàn cảnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có những hành vi kỳ lạ, không phù hợp với hoàn cảnh hoặc không thể giải thích được: Đứng sững nhìn mặt trời, lúc nào cũng giữ lâu một tư thế khó chịu, đi lang thang không có mục đích...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc