(VnMedia) - Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 28/4, trên cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương.
Như vậy, tổng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên toàn quốc trong gần bốn tháng đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng lưu ý, một số tỉnh, thành phố có số trường hợp mắc bệnh cao và tăng hơn so với cùng kỳ 2013 như Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 2.600 trường hợp, tăng 28%), Bà Rịa-Vũng Tàu (hơn 1.100 trường hợp, tăng 34%), Cà Mau (938 trường hợp, tăng 15%), Kon Tum (tăng 69%).
Tay chân miệng đang vào mùa.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dù số ca mắc thấp nhưng không vì thế mà Bộ không quan tâm. Bộ đang xem xét những vùng nào có trẻ mắc và có nguy cơ cao để can thiệp, tránh lây lan.
“Hà Nội và TP HCM là hai nơi có nguy cơ cao về bệnh tay chân miệng. Khó khăn của việc phòng chống là chưa có vắcxin”, tiến sĩ Phu nói.
Tại nước ta, bệnh rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Số ca mắc trung bình hàng năm khoảng 100.000 - 150.000 và 30 - 40 trường hợp tử vong. Mỗi năm có hai đỉnh dịch là tháng 3-5 và tháng 9-12.
Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến nay. Khoảng 90 đến 95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Biểu hiện của bệnh thường là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng. Bệnh lây qua đường ăn uống, tiêu hóa.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm và tổ chức chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh tay chân miệng thường tăng từ tháng Ba đến tháng Năm và từ tháng Chín đến tháng 12. Do đó, trong thời gian tới bệnh tay chân miệng có nguy cơ tiếp tục gia tăng.
Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng...
Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng mà trẻ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Các trường mẫu giáo, nhà trẻ, hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Ý kiến bạn đọc