Các Sở Y tế báo cáo hằng ngày tình hình bệnh sởi

06:59, 19/04/2014
|

(VnMedika)Ngày 18/4, Bộ Y tế đã gửi công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND 14 tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế thực hiện báo cáo hàng ngày tình hình bệnh sởi về Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

Cụ thể bao gồm các tỉnh: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, An Giang, Vĩnh Long.

Ảnh minh họa



Theo công văn, mặc dù phải hoàn thành trong tháng 4 này chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi cho toàn bộ trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi (riêng tại TPHCM là từ 9 tháng đến 3 tuổi) chưa tiêm vắcxin sởi, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nhiều tỉnh chưa chỉ đạo quyết liệt nên tỷ lệ đạt rất thấp (dưới 50% kế hoạch) và một số địa phương có số mắc sởi cao, chưa được khống chế, do đó dịch có thể tiếp tục lây lan.

Để quyết liệt, chủ động kiểm soát bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh trên tập trung chỉ đạo Sở Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, xác định các khu vực có nguy cơ lây nhiễm sởi, đối tượng có nguy cơ cao để thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế thực hiện báo cáo hằng ngày tình hình bệnh sởi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm sởi và các bệnh hô hấp khác.

Bên cạnh đó, thiết lập các khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi, có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh; Thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Riêng TP. Hà Nội, tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện vệ tinh điều trị sởi để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên chỉ  đạo các Sở Y tế khẩn trương rà soát thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống bệnh sởi, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm vaccine sởi và tiêm vét vaccine sởi, bảo  đảm đạt hơn 95% số trẻ trong đối tượng được tiêm vaccine sởi và bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định, hoàn thành trong tháng 4.

Khi chưa đủ điều kiện công bố dịch theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10//2010 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch truyền nhiễm, các địa phương cần tiến hành cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh một cách chính xác, đồng thời đáp ứng đủ nguồn lực để phục vụ cho công tác phòng chống bệnh sởi. 

* Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tính đến ngày 18/4, đã ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc sởi. Trong đó, đã ghi nhận 112 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó 50% số trẻ em tử vong tại Hà Nội. Số ca mắc sởi phần lớn là trẻ em dưới 10 tuổi, 87% ca mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccine sởi.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc