Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải nguyên nhân khiến dịch sởi lan rộng

19:38, 21/04/2014
|

(VnMedia) - Sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sởi và bệnh hô hấp tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội).

Tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện số bệnh nhân đang điều trị sởi là 67 trường hợp, trong đó có 11 bệnh nhân nặng, 5 bệnh nhân phải thở máy, số bệnh nhân mắc mới sởi nhập viện trong ngày 20/4 là 7 ca. Tích lũy số bệnh nhân sởi nhập viện tại Bệnh Bạch Mai từ đầu năm đến ngày 20/4 là 241 ca, trong đó 6 bệnh nhân tử vong (1 ca là trẻ dưới 9 tháng tuổi). 87% bệnh nhân thuộc khu vực Hà Nội, còn lại ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Yên Bái...

Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, có biến chứng viêm phổi, các trường hợp bệnh nhi tử vong đều chưa đến thời gian tiêm phòng sởi mũi 1 hoặc mũi 2. Bệnh viện cũng đã chủ động miễn giảm viện phí cho những bệnh nhân sởi có hoàn cảnh khó khăn, cứu sống nhiều bệnh nhân có biến chứng và diễn biến nặng, chưa có hiện tượng lây lan trong bệnh viện.



Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Bạch Mai.


Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, theo số liệu thống kê tại bệnh viện đến ngày 21/4, bệnh viện đã tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 700 ca sởi và sốt phát ban nghi sởi; trong đó có 523 bệnh nhân dương tính với sởi, số điều trị nội trú là 373 ca. Số bệnh nhân biến chứng là 96 ca, chủ yếu là viêm phổi, suy hô hấp là 92 ca và 4 trường hợp bị biến chứng viêm não. Đến nay, có 1 bệnh nhân tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp kèm nhiễm khuẩn huyết sau sởi và 4 ca vì quá nặng nên gia đình xin về. Đáng lưu ý, trong số ca dương tính với sởi nhập viện, có 73,2% là bệnh nhân ở Hà Nội, chủ yếu là quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… 60% bệnh nhi dưới 5 tuổi dương tính với sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Tại Bệnh viện Đống, hiện đang có 63 bệnh nhân sởi và sốt phát ban nghi sởi đang điều trị tại bệnh viện. Tích lũy từ đầu năm đến nay, bệnh đã tiếp nhận thu dung điều trị cho 529 ca sởi và sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 327 bệnh nhân được điều trị nội trú, bao gồm 26 ca là trẻ dưới 9 tháng tuổi, còn lại chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, chưa ghi nhận ca tử vong do sởi tại bệnh viện trong đợt này.

Nguyên nhân bùng phát dịch sởi

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến biểu dương những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tích cực tham gia chống dịch, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu làm sao để rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân sởi. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dịch sởi vẫn lan rộng với số lượng tử vong lớn, nhất là tại Hà Nội.

Nguyên nhân quan trọng nhất của dịch lần này là do người dân, trẻ em không tiêm vắcxin phòng bệnh sởi. N
guyên nhân thứ hai là do tình trạng nhiều gia đình cho trẻ bị bệnh đổ dồn về tuyến Trung ương, đặc biệt là Bệnh viện Nhi Trung ương. Vì vậy, trong 100 ca tử vong của cả nước, chiếm đến 95% là tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong là tại Bệnh viện Bạch Mai, thứ ba là Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Vì vậy, ổ dịch chính vẫn là Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thứ ba là do việc dồn bệnh nhân tập trung vào một vị trí, tập trung cao độ quá, điển hình nhất là tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khiến trẻ bị bội nhiễm lây chéo bệnh rất dễ xảy ra. Bện cạnh đó, nhân viên y tế chăm sóc không đủ, trong khi số lượng bệnh nhân lại quá tải khiến chất lượng khám chữa bệnh giảm, trẻ dễ lây chéo, nhiễm trùng bệnh viện.

Thứ tư là do trong những tháng vừa qua, khí hậu miền Bắc ẩm liên tục khiến cho các virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ ban đầu vào viện là do viêm phổi, sau đó mới lây bệnh sởi. Khi trẻ bị bệnh hô hấp nặng, phổi đã trắng xóa lại nhiễm thêm bệnh sởi nữa, bệnh chồng bệnh nên nguy cơ tử vong rất cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc chỉ ra được những nguyên nhân khiến dịch sởi lan rộng trong thời gian qua chính là cách để ngành Y tế đẩy mạnh cách giải pháp nhằm làm giảm sự lây lan của dịch sởi.

Tại cuộc làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngoài tiếp tục phân tuyến bệnh nhân, áp dụng các phác đồ điều trị… bệnh viện cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng với các bệnh nhân sởi (nhất là đối với bệnh nhân nhi) nhằm tăng sức đề kháng. “Nếu chỉ mải mê truyền thuốc, truyền dịch mà quên không chú ý đến dinh dưỡng thì điều trị không hiệu quả. Đây cũng là cách để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý các bệnh viện nên tiếp tục thu xếp, tận dụng phòng, kê thêm giường để giãn bệnh nhân, tạo không gian thông thoáng trong các phòng bệnh. Đặc biết đối với trường hợp bệnh nhân nhi nặng, phải thở oxy cần dành cho mỗi bệnh nhân một giường để tăng cơ hội phục hồi.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc