(VnMedia) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh truyền nhiễm đang có chiều hướng phát triển rất nhanh, đe dọa sức khỏe của nhiều người thuộc các quốc gia và dân tộc khác nhau trên thế giới.
Theo báo cáo của WHO, mỗi năm có hơn một tỷ người bị nhiễm và hơn một triệu người chết vì các bệnh lây truyền qua vectơ như: sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh sán máng, bệnh nhiễm Leishmania, bệnh Chagas, sốt vàng, bệnh giun chỉ bạch huyết và bệnh “mù sông”... Con số tử vong này, dù đáng báo động, vẫn còn thấp số người phải chịu đau đớn và khổ sở sau khi hết nhiễm trùng bởi di chứng suy nhược kéo dài, biến dạng cơ thể, thương tật hoặc bị mù.
Một phần sáu số trường hợp mắc bệnh và tàn phế trên toàn thế giới là do các bệnh lây truyền qua vectơ, với ước tính hơn một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc các bệnh này. Các nhóm người nghèo nhất của xã hội và các nước kém phát triển nhất bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ảnh minh họa |
Quá trình lây nhiễm bệnh được truyền qua các đối tượng trung gian như sâu bọ, côn trùng, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, giữa người với động vật, vật nuôi. Có rất nhiều loại bệnh có thể truyền qua đường lây nhiễm như sốt rét, cảm cúm, bạch cầu, tả, thương hàn, trong đó bệnh sốt rét thường gây tử vong nhiều nhất. Chỉ tính riêng năm 2010, trên thế giới có hơn 660.000 người chết vì căn bệnh này.
Các bệnh lây truyền qua ảnh hưởng đến người dân sống tại khu vực thành thị, ven đô và nông thôn nhưng phát triển mạnh chủ yếu ở các cộng đồng dân cư sống trong điều kiện nghèo khổ, nhà ở chật chội, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém. Người bị suy dinh dưỡng và người có hệ miễn dịch suy yếu đặc biệt dễ bị tổn thương.
Các bệnh này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo. Bệnh tật và tàn phế khiến người bệnh không thể làm việc và giúp đỡ gia đình, khiến họ càng khó khăn hơn và cản trở phát triển kinh tế. Vì vây, nhân Ngày sức khỏe toàn cầu (7/4), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lấy chủ đề của ngày này năm nay là đấu tranh phòng chống bệnh lây nhiễm.
Ý kiến bạn đọc