(VnMedia) - Thông tin từ Bệnh viện phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, dự kiến vào năm 2018 có thể sẽ có những vắcxin mới phòng lao hiệu quả hơn loại BCG hiện nay.
Ảnh minh họa |
Hiện tại Việt Nam cũng có nhiều kỹ thuật chẩn đoán mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như kỹ thuật geneXpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicine hay không, với độ nhậy rất cao, độ đặc hiệu rất cao tương đương kỹ thuật nuôi cấy (phải mất 2 - 4 tháng theo phương pháp truyền thống). Mặt khác thao tác thực hiện đơn giản đến mức có thể thực hiện ngay tại tuyến huyện. Hiện nay đã có 32 hệ thống geneXpert đang hoạt động trên cả nước.
Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2013 cho tháy khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao, 12 triệu người hiện mắc lao, 8,6 triệu người mắc mới, 13% số mắc lao có đồng nhiễm HIV, 1,3 triệu người tử vong do lao.
Bệnh lao đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia.
Riêng Việt Nam đang đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm cả nước lại có thêm 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và 18.000 người tử vong do bệnh này.
Tuy bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh cùng với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn, nhưng bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc