(VnMedia) - Bé Kiều Chinh (10 tháng tuổi ở Hà Nội) bị suy hô hấp nặng sau 2 ngày ho, sốt, phát ban do sởi. Rất may bé đã được cứu sống, sức khỏe tiến triển tốt.
Ngày 3/3, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bé Chinh (sống tại Hà Nội) nhập viện ngày 16/2. Lúc này thấy biểu hiện của trẻ chưa có gì bất thường, ban sởi ít nên các bác sĩ chuyển bé sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày sức khỏe bé đột nhiên chuyển biến nhanh, phổi tổn thương rất nặng. Bé Chinh được chuyển ngay lại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phải thở máy.
Do tình trạng của trẻ ngày một nặng hơn, các bác sỹ khoa Nhi (BV Bạch Mai) chụp liên tục phim phổi để theo dõi, điều chỉnh máy thở, hằng ngày đều đặn siêu âm tim, sử dụng thuốc trợ tim hài hòa, kiểm tra gan vì sợ virus sởi tiếp tục tấn công các cơ quan khác. Sau hơn 2 tuần điều trị, hiện sức khỏe trẻ diễn biến tốt, ăn uống bình thường, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
PGS Dũng cho biết, có hai ca sởi nặng vào cùng một đợt đều bị virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi ngay ở giai đoạn đầu, trong đó một bé đã tử vong, bé Chinh may mắn cứu được.
Hà Nội: Dịch sởi chưa có dấu hiệu giảm
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các ca mắc sởi mới vẫn tiếp tục nhập viện. liên tiếp những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 10 đến 20 trẻ nhập viện vì bệnh sởi.
Hiện tại, Khoa Nhi đang điều trị cho 30 cháu mắc sởi nặng, trong đó xuất hiện những trường hợp biến chứng nặng hiếm gặp. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, đến thời điểm này lượng bệnh nhi bị sởi nhập viện vẫn ở mức cao, khá nhiều ca bị biến chứng nặng. Điều đó cho thấy dịch sởi ở Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Theo cac bác sĩ, các ca biến chứng nặng do sởi hầu hết đều dưới 12 tháng tuổi. Các ca 3 tháng, 7 tháng tuổi khá nhiều, thậm chí cả trẻ mới 24 ngày tuổi cũng bị mắc sởi. Các bé đều không tiêm phòng sởi hoặc không kịp tiêm phòng sởi. Trước kia, các biến chứng chỉ xảy ra sau khi ban bay, sức đề kháng kém thì trẻ mới bị sốt do vi trùng, vi khuẩn tấn công. Còn hiện nay, virus sởi tấn công trực tiếp gây biến chứng ngay khi bệnh nhân bắt đầu mọc ban dẫn tới tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi nặng, tiến triển nhanh, khiến cho việc cấp cứu khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, việc cách ly cũng không hạn chế được sự lây lan của bệnh một cách tuyệt đối. Khi trẻ mắc sởi thì cha mẹ đưa trẻ đi khám để các bác sĩ có thể chẩn đoán trường hợp nào có nguy cơ biến chứng phổi thì tư vấn cẩn thận. Đặc biệt, khi trẻ có biểu hiện thở nhanh, sốt rất cao, mệt mỏi, khó thở thì phải nhập viện ngay.
Ý kiến bạn đọc