Vì sao trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm dịp Tết?

14:25, 03/02/2014
|

Những món ngon ngày Tết và sự thay đổi trong thói quen ăn uống là những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm trong dịp này.

Bác sĩ chuyên khoa 2, Bệnh viện Nhi đồng 2, Nguyễn Kim Dung khuyên rằng, các bậc phụ huynh cần nắm rõ cách nhận biết những rối loạn xảy ra cho bé và cách chăm sóc tại nhà để tránh mất vui khi những ngày Tết phải vào bệnh viện.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Theo bác sĩ Dung, các tác nhân sinh học gây ngộ độc thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, nấm mốc, virut và ký sinh vật. Chúng có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Thức ăn chín để ở nhiệt độ bình thường là môi trường tốt cho vi khuẩn trong không khí xâm nhập và phát triển nhanh, đặc biệt là thức ăn còn thừa sau các bữa ăn chỉ cần một vài giờ là số lượng vi khuẩn có thể sinh sôi đạt tới mức gây ngộ độc thực phẩm. Các vi khuẩn thường gặp là E.coli, tụ cầu, lỵ thương hàn, phẩy khuẩn tả...

Ngoài ra còn ngộ độc các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp, trong chất phụ gia thực phẩm sử dụng không đúng, độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, các chất gây dị ứng, chất độc hại tạo ra trong quá trình chế biến... Tùy nguyên nhân mà có biểu hiện khác nhau như: sốt, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy...

Vì sao trẻ hay bị ngộ độc?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng thường gặp nhất ở trẻ em vào dịp Tết. Nguyên nhân là do trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn có chứa trong thức ăn. Thức ăn ngày Tết có đặc điểm là: thức ăn chế biến sẵn được dự trữ, dùng trong nhiều ngày như: lạp xưởng, xúc xích, thịt hun khói, bò khô, giò chả, bánh tét, bánh chưng. Thức ăn, uống chứa nhiều đường như: mứt, bánh kẹo, nước ngọt, sirô… là những thức ăn, đồ uống khoái khẩu của trẻ. Những thức ăn trên là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng. Chưa kể ngày Tết đi chơi nhiều nên trẻ cũng thường được cho ăn uống những thức ăn ngoài hàng quán, bên đường cũng là những nguy cơ khiến trẻ dễ bị ngộ độc thức ăn.

Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết thường biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn khoảng 1 giờ trở đi.

- Nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục.
- Đau bụng quặn từng cơn, sau đó có thể đi tiêu chảy.

Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như: hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Những triệu chứng: sốt, phân nhày máu… là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột. Ngoài ra, một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân…

Cách chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Nếu trẻ nôn cần cho nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc gây nghẹt thở. Lưu ý bồi hoàn nước và các chất điện giải bị mất do nôn ói bằng cách: Trẻ còn bú mẹ, cho bú nhiều lần hơn;

Đối với trẻ lớn cần cho uống nước oresol (pha đúng chỉ dẫn trên bao bì), nếu không có thì thay bằng nước cháo muối để bồi hoàn lượng nước và điện giải bị mất, ăn thức ăn lỏng như súp, cháo.

Không nên uống nước ngọt, ăn bánh kẹo ngọt vì sẽ làm bệnh thêm nặng.

Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngừng ăn 1 giờ, sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau 4 giờ mà trẻ không nôn ói thì nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn. Những thức ăn tiếp theo là thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, cơm, bánh mì, súp nghiền và cho trẻ ăn lại bình thường trong vòng 24 giờ.

Lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, không thể uống được hoặc bỏ bú, trẻ bị co giật, hoặc khi thấy trẻ mệt nhiều, sốt cao, tiêu phân có máu, khát nhiều, đau bụng nhiều, bệnh kéo dài trên 2 ngày...

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ngày Tết

- Cách phòng ngừa ngộ độc thức ăn ngày Tết tốt nhất là đảm bảo thức ăn tươi ngon và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm.

- Nấu chín thức ăn, bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận bằng cách đậy kín không để ruồi gián bâu đậu, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

- Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn.

- Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người chế biến và chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn.

Chú ý không để thức ăn chín cùng nơi với thực phẩm sống...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc