Tuyên truyền phòng ngộ độc nấm độc bằng tiếng dân tộc

15:21, 26/02/2014
|

(VnMedia) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc nấm sẽ được phát bằng tiếng Dao, Thái, H’mông tại các địa phương.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo Cục An toàn thực phẩm, mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành, nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình.

Để phòng ngừa ngộ độc do ăn phải nấm độc, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, H’mông trên sóng phát thanh tại địa phương, nhằm phổ biến rộng rãi cách phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.

Theo các bác sĩ, ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan..., chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người.

Khi bị ngộ độc nấm việc đầu tiên là phải sơ cứu tại chỗ bằng cách gây nôn. Có thể, lấy ngón tay sạch hoặc lông gà rửa sạch để ngoáy họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. 

Hoặc có thể uống 20g than hoạt tính (trộn với ít đường trắng cho dễ uống), sau đó uống một chén nước sôi để nguội. Than hoạt sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt thì mua viên Carbogast hoặc Carbophos 400 mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc