Tác hại thuốc lá: Rất cần sự vào cuộc của báo chí

20:23, 27/02/2014
|

(VnMedia) - Ngày 27/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Y tế Công cộng Việt Nam tổ chức hội thảo “Truyền thông báo chí với phòng chống tác hại của thuốc lá”.

Bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, theo số liệu của Ban Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Kết quả điều tra đánh giá vào tháng 1/2014, tỷ lệ nam giới hiện hút thuốc lá là 39,3%. Tỷ lệ này thấp hơn 8,1% so với kết quả  điều tra toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt nam năm 2010 (47/,4%) và giảm 10,1% so với điều tra ban đầu năm 2012 (49,4%). Tỷ lệ lao động phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc cũng đã giảm xuống đáng kể. Việt Nam có khoảng 16 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá, trong đó 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà (hút thuốc lá tự động) và khoảng 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

 

Theo các chuyên gia, thành phần khói thuốc có khoảng 7000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư. Thuốc lá liên quan đến việc gây ra các bệnh: rụng tóc, cao răng, ung thư da, phế quan thũng, ung thư phổi, loét dạ dày, vảy nến, bệnh tim mạch, điếc, loãng xương, ung thư cổ tử cung, viêm tắc mạch máu chi...Trong khi đó, thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây chết sớm cho một nửa số người sử dụng (50% số người hút thuốc là thường xuyên giảm tuổi thọ từ 8-23 năm. 


Bà Liên cho rằng, phòng chống tác hại thuốc lá không phải là vấn đề mới tại Việt Nam tuy nhiên chưa bao giờ giảm nhiệt. Với con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới mỗi năm tại Việt nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

 

Để đối phó với vấn nạn này, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã được vận động để xây dựng và Chính phủ thông qua vào tháng 6/2012, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5/2013.

 

Theo bà Liên, năm 2014 một trong những chức năng hết sức quan trọng của Mặt trận, đó là vai trò giám sát – phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật nằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hội nhập quốc tế và những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Với vai trò này, Mặt trận Tổ quốc hiện đặc biệt quan tâm tới việc triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và công tác thực thi áp dụng Luật trong cộng đồng.

 

Bà Liên nhấn mạnh, cũng như nhiều các chính sách của Nhà nước, truyền thông báo chí đóng một vai trò cốt yếu trong việc chuyển tải thông tin tới khôngchỉ người dân mà còn cả các nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là một chính sách liên quan trực tiếp cần sự chung tay thực hiện của các cộng đồng thì sự tham gia của truyền thông báo chí là rất quan trọng. 

 Ảnh minh họa

 Thuốc lá thụ động ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ảnh minh họa.



Tác hại của hút thuốc lá


Tổn thương răng lợi: Những người hút thuốc có xu hướng mắc các bệnh nướu răng, hơi thở hôi và các vấn đề vệ sinh răng miệng khác. Người hút thuốc có nguy cơ mất răng cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.

 

Rụng Tóc: Cả nam và nữ đều có xu hướng bị tóc thưa mỏng hơn khi có tuổi và hút thuốc có thể làm tăng tốc quá trình này.

 

Đục thủy tinh thể: Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể khi lớn tuổi. Đây là những vùng mây trên thủy tinh thể vốn giữ ánh sáng đến từ võng mạc.

 

Dễ gãy xương: Hút thuốc làm tăng nguy cơ yếu xương hay loãng xương và hậu quả là dẫn tới cong vẹo cột sống.

 

Bệnh tim và rối loạn tình dục: Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và các cục máu đông dễ hình thành. Hậu quả là dễ gây ra các cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, đàn ông hút thuốc lá nhiều có thể dẫn đến rối loạn chức năng cương dương.

 

Giảm khả năng tập luyện: Người hút thuốc lá nhịp tim có xu hướng nhanh hơn, lưu thông máu kém và khó thở hơn - không phù hợp với hoạt động luyện tập thể dục thể thao.

 

Ảnh hưởng đến sinh sản: Phụ nữ hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ khó thụ thai, dễ sẩy thai hay sinh trẻ nhẹ cân.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gồm một tổn thương hay biểu hiện khác lạ trên lưỡi, môi, nướu răng, hoặc khu vực khác bên trong miệng mà không khỏi hoặc không gây đau.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc